Điều đặc biệt mà Mạng Công dân toàn cầu đem lại là tạo dựng phương pháp tư duy và giải quyết vấn đề ở tâm thế toàn cầu trên cơ sở hiểu biết tinh hoa văn hóa của nhân loại. Điều này quan trọng hơn kỹ năng mềm và ngoại ngữ”- GS Carlos Torres, Giám đốc chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo của Mạng công dân toàn cầu trò chuyện với VietNamNet.

>>Trở thành công dân của thế giới với Mạng Công dân toàn cầu

Kênh đối thoại mới

Được biết Mạng Công dân toàn cầu đã đưa ra phương pháp mới trong giáo dục đó là mỗi công dân có thể được học theo yêu cầu, học cách tư duy để giải quyết những vấn đề thực tế mà người học đang vướng mắc. Ông có thể giải thích chi tiết hơn?

Mạng Công dân toàn cầu (GCN) sẽ khuyến khích tư duy suy xét xoay quanh ba nguyên tắc quan trọng nhất của chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu đó là: hành tinh chúng ta, nền hòa bình và con người.

Như tôi đã trình bày trong Tạp chí Giá trị chung Toàn cầu (Global Commons Review) vừa được xuất bản nằm trong chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu do UCLA-UNESCO thực hiện, trong đó có một phần đặc biệt nói về Việt Nam, thì chúng ta cần bảo vệ hành tinh này thông qua việc giáo dục phát triển bền vững và giá trị công dân toàn cầu.

Thứ hai, các giá trị chung toàn cầu được dựa trên ý tưởng hòa bình toàn cầu là một việc tốt mang tính văn hóa phi vật thể của nhân loại và chứa các giá trị phi vật chất: một kho báu không tưởng nhưng lại nhận thức được của nhân loại.

Thứ ba, sự hình thành các giá trị chung toàn cầu phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của nhân loại trong việc tìm kiếm hướng đi cho những con người muốn sống chung với nhau một cách dân chủ trong một thế giới ngày càng đa dạng hơn, tìm kiếm cách thức thỏa mãn các nhu cầu văn hóa và nhu cầu cá nhân, đồng thời đạt được các quyền cơ bản đó là quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.

{keywords}
GS Carlos Torres, Giám đốc chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO đồng thời là một trong những nhà lãnh đạo của Mạng công dân toàn cầu

Giá trị công dân toàn cầu hỗ trợ cho việc tạo dựng hòa bình cho hành tinh và sự phát triển nguồn nhân lực thiết yếu thông qua sự tham gia của công dân trong các khía cạnh quan trọng là tri thức, kỹ năng và giá trị.

Chỉ khi nào ba nguyên tắc này được hiểu và được xem là yếu tố then chốt trong cuộc sống của con người, và chỉ khi nào con người thực hành những niềm tin đó, thì khi đó chúng ta sẽ thấy được những thay đổi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, theo cách thức mà người dân và các quốc gia có sự liên quan tới nhau, thấy được thay đổi trong tầm quan trọng của hạnh phúc đối với cuộc sống con người.

Mạng công dân toàn cầu (GCN) sẽ thúc đẩy giáo dục về tính liêm chính, một giá trị quan trọng bậc nhất của con người liên quan tới hành vi tham nhũng và sự thiếu đạo đức ở nhiều người cũng như nhiều chính phủ, đang ảnh hưởng sâu sắc tới loài người, các cộng đồng và cả hành tinh.

Việc học tập theo nhu cầu sẽ mở ra chân trời mới cho những người không có cơ hội được tham gia các chương trình đào tạo chính thức và không chính thức, và chắc chắn nó sẽ góp phần thúc đẩy các chương trình giáo dục chính thức cho trẻ em, thanh niên và người trưởng thành – những người đang học tập tại các trường phổ thông và đại học.

Như ông biết đấy, hiện nay có rất nhiều chương trình học liệu mở trên Internet. Vậy Mạng công dân toàn cầu ra đời có gì đặc biệt so với các chương trình học liệu mở đã có?

Đúng vậy, hiện tại trên Internet có rất nhiều chương trình, đó là điều đáng quý bởi nó sẽ mang lại nhiều lựa chọn cho mọi người và cộng đồng. Chúng ta sống trong một xã hội phát triển tri thức, xây dựng nên những nguyên tắc then chốt. Mạng Công dân toàn cầu đặc biệt bởi nó là sản phẩm của nhiều năm nghiên cứu của các thành viên để tạo ra một hệ thống mới, họ là một trong số những người có đầu óc cởi mở và khai sáng nhất thế giới.

GCN có phương pháp tiếp cận đặc biệt: Học suốt đời, học qua giải quyết công việc thực tế, học theo yêu cầu từ thực tế cuộc sống.

Đặc biệt hơn nữa bởi chúng tôi mang lại những ý tưởng mới, liên kết với các chương trình của Liên Hợp Quốc trong việc mở rộng khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục nhưng đồng thời khẳng định nhu cầu hơn nữa về quyền công dân, đó là điều cốt yếu để xây dựng một trật tự xã hội thế giới mới, điều mà chiến tranh sẽ không bao giờ có thể thay thế để giải quyết xung đột.

Cuối cùng, Mạng công dân toàn cầu được thành lập dựa trên cam kết và việc thực hành được trao thưởng và ghi nhận cho tất cả những thành viên đã chia sẻ ước mơ cũng như mục tiêu về việc phát triển xã hội, kinh tế và cảm xúc một cách bền vững và hòa bình.

Chúng tôi sẽ trao thưởng cho những thành viên tiếp cận với những sản phẩm cụ thể như các blog, bài báo của chúng tôi, với chương trình đào tạo từ xa, và những người tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn sẽ được chúng tôi tập hợp và ghi nhận vào Danh sách những cá nhân xuất chúng với vai trò những lãnh đạo xuất sắc của thế giới.

Sự ghi nhận này chắc chắn sẽ thúc đẩy cam kết của họ cho dự án và sẽ tác động lên những người khác, những cộng đồng, doanh nghiệp và chính phủ khác.

Phương pháp tư duy và năng lực giải quyết vấn đề

Kĩ năng sống và ngoại ngữ là hai môn học cần thiết hiện nay ở Việt Nam để công dân Việt Nam có thể hội nhập toàn cầu, bởi thế mà rất nhiều lớp học về kĩ năng mềm và ngoại ngữ được mở ra ở Việt Nam. Mạng Công dân toàn cầu có gì khác biệt không thưa ông?

Kỹ năng sống sẽ tạo nét khác biệt lớn trong cuộc sống của chúng ta.Thử tưởng tượng một giáo viên rất giỏi nhưng lại không biết tận dụng những kiến thức mà học viên của họ mang lại; trong trường hợp đó, nếu không được trang bị những công cụ sư phạm về văn hóa phù hợp, người giáo viên đó sẽ không thể làm tốt công việc của mình.

Mọi người cần có những phương thức để hiểu và giải thích những thay đổi của thế giới trong quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ. Mạng Công dân toàn cầu sẽ giúp kết nối các mô hình phân tích, những điều hợp lý (mà một số người hiểu là năng lực mềm, chứ không phải kỹ năng mềm) để thúc đẩy hơn nữa mục tiêu của mạng lưới, bảo vệ môi trường, hòa bình và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong giáo dục công dân toàn cầu và GCN sẽ giúp người dân trở nên thành thạo hơn, chủ động hơn và cam kết với những mục tiêu này.

Việc chủ động tham gia vào chương trình GCN sẽ giúp mọi người có cơ hội được trao thưởng (ghi danh trong bảng xếp hạng các lãnh đạo thế giới xuất sắc của chúng tôi), chương trình còn giúp liên kết mọi người với những cá nhân khác có cùng quan điểm, với các cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, và sự tăng cường kết nối này sẽ thúc đẩy nền hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

Mạng công dân toàn cầu còn mở ra kênh đối thoại mới về giáo dục công dân toàn cầu bao gồm cả công dân Việt Nam. Đây là nội dung độc đáo, do vậy chúng tôi sẽ đưa ra những đối thoại khác lạ chưa từng có.

Nhưng điều đặc biệt mà Mạng Công dân toàn cầu đem lại là tạo dựng phương pháp tư duy và giải quyết vấn đề ở tâm thế toàn cầu trên cơ sở hiểu biết tinh hoa văn hóa của nhân loại. Điều này quan trọng hơn kỹ năng mềm và ngoại ngữ. Sẽ có những công cụ trợ giúp ngoại ngữ rất tốt bằng trí tuệ nhân tạo, nên ngoại ngữ không còn là điểm quá lo ngại, mà điều đáng lo là sự thiếu hụt hiểu biết các giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại. Kỹ năng mềm cần đấy, nhưng cần thiết hơn là phương pháp tư duy, khả năng giải quyết vấn đề, cũng như tinh thần nhân ái, cao thượng…đó mới chính là vấn đề cần quan tâm đào tạo, phát triển.

Người Việt mặc cảm tự ti

Tôi cũng được biết một trong những mục đích của Mạng Giáo dục công dân toàn cầu là tạo ra môi trường học tập nhằm nâng cao tri thức qua thực hành, thực tế  cho các công dân, và đây cũng là mạng giáo dục quy tụ được những GS, học giả và chuyên gia có uy tín ở các lĩnh vực khác nhau đến từ các trường ĐH hàng đầu nước Mỹ. Làm thế nào để người Việt Nam tích cực chủ động tham gia học hỏi, khai thác những giá trị của Mạng giáo dục công dân toàn cầu một cách hữu ích bởi lâu nay Việt Nam vẫn quen với cách học thụ động?

Trình độ của các Giáo sư, học giả và chuyên gia làm việc trong các trường đại học của Mỹ tham gia vào GCN là rất xuất sắc. Đối với những thành viên của GCN, việc được cùng tham gia và học tập từ họ đã là những trải nghiệm đào tạo về giáo dục phản biện rồi. Chúng ta không thể nào thụ động mãi được.

Thế giới đang chuyển động với tốc độ nhanh chóng, và cách duy nhất mà người Việt hay người dân bất kỳ nước nào để bắt kịp được không cách nào khác là phải tiếp cận được với tri thức mới.

Đó chính xác là những điều mà GCN sẽ mang lại, đó là những tri thức và mạng lưới tân tiến nhất, và chúng sẽ kích thích khả năng học tập phản biện và sự sáng tạo của mọi người, đó là những giá trị trái ngược hẳn với việc học thụ động và học vẹt.

Mạng Công dân toàn cầu có một số chương trình dành cho các nhà lãnh đạo trẻ. Những nhà giáo dục trong Mạng Công dân toàn cầu đều là những người xuất chúng và có tên tuổi ở nước Mỹ và thế giới. Nhưng tôi băn khoăn là liệu họ có gần gũi với thực tế của Việt Nam và chương trình giảng dạy của học có phù hợp với nhu cầu của các nhà lãnh đạo trẻ Việt Nam hiện nay?

Trình độ của những người lỗi lạc đó là có thể học tập trong những bối cảnh xã hội cụ thể. Các chuyên gia và các nhà sư phạm tham gia vào GCN với tư cách là giáo viên hướng dẫn và/hoặc cố vấn viên là những người có khả năng “học chủ động” mà đồng thời vẫn có thể giảng dạy cho mọi người từ những nền văn hóa khác nhau, bối cảnh xã hội hay ngôn ngữ khác nhau.

Do vậy, nguyên tắc học tập hai chiều là một trong những nguyên tắc truyền cảm hứng cho dự án này. Nếu nó phù hợp với nhu cầu của thanh niên Việt Nam, nó sẽ được chứng minh chỉ khi những người làm việc trong dự án GCN có thể tự làm mới những kiến thức học được của mình (cả lý thuyết lẫn trải nghiệm thực tiễn) trong bối cảnh xã hội riêng của mình.

Mạng giáo dục công dân toàn cầu có nguyên lý chấm điểm thành quả của mỗi cá nhân đã đạt được, thậm chí có thang điểm hướng dẫn để mỗi cá nhân tự chấm. Tại sao lại để mỗi cá nhân tự chấm mà không phải là tổ chức chấm? Như vậy có khách quan không thưa ông?

Vâng, đó chính là Bảng điểm công dân toàn cầu,và Bảng điểm lãnh đạo toàn cầu.

GCN có phương pháp đánh giá chấm điểm các cá nhân và cả các nhà sáng tạo công nghệ, các nhà sáng tạo, các học giả, các lãnh đạo doanh nghiệp lẫn chính phủ... Đó chính là thực tế hóa những giá trị nhân văn, những giá trị chuẩn mực cao đẹp của nhân loại để mọi người soi vào và định hướng cuộc sống theo những giá trị chuẩn mực đó.

Mỗi người sống là sống cho bản thân mình, thước đo quan trọng nhất là những kết quả họ đã tạo được, họ đối diện với chính mình, chấm điểm cho chính mình để biết mình đang ở đâu. Còn khi đánh giá một con người trên Bảng điểm công dân toàn cầu, Bảng điểm lãnh đạo toàn cầu, GCN có hội đồng để xác đinh giá trị điểm hợp lý trên cơ sở những thông tin, dữ liệu về kết quả cá nhân đó đã đạt được. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao cho chúng phải được tường minh và ghi nhận những cống hiến của công dân thông qua nguyên lý chấm điểm của chương trình giáo dục công dân toàn cầu.

Đây chính là mục tiêu bởi những thành tích đó sẽ được đánh giá và xác nhận. Những cá nhân và tổ chức tham gia vào GCN sẽ nỗ lực hơn nữa để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo, phát huy lòng nhân để từ đó thế giới có hòa bình và phát triển bền vững.

Nhiều học giả khi đến Việt Nam nhận đinh rằng cái mà người Việt Nam thiếu hiện nay là sự tự tin, thậm chí là tự ti khi làm việc với các nước văn minh, tiên tiến G7. Mạng Công dân toàn cầu có những giải pháp hữu hiệu thế nào nhằm giúp người Việt Nam vượt qua được tâm lí ấy?

Đúng vậy, tôi đã từng nghe một số ý kiến như thế. Có vẻ như đây là cảm nhận chung thường gặp về con người Việt Nam. Nhưng tôi cũng tự hỏi liệu nhìn nhận đó có chính xác không? Nó có thực sự liên quan tới trải nghiệm lịch sử của Việt Nam không? Sau hơn chục cuộc họp, hội thảo, bài giảng và thảo luận mà chúng tôi thực hiện cùng các bạn người Việt, các quan chức chính phủ, những lãnh đạo trẻ cũng như sinh viên trong hơn hai năm qua, tôi đã rất ấn tượng về lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm của họ đối với giáo dục công dân toàn cầu.

Từ khi tôi chỉ là một sinh viên đại học trẻ tuổi ở Argentina, tôi đã luôn ngưỡng mộ con người Việt Nam về sự bền bỉ và anh dũng trong công cuộc bảo vệ nền độc lập cũng như lòng tự trọng trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Trong quá khứ, Việt Nam từng bị tấn công, xâm chiếm dẫn tới nhiều cuộc chiến tranh, và tới ngày hôm nay đất nước vẫn thịnh vượng và quan trọng hơn đó là một quốc gia độc lập với lòng tự trọng về những thành công của mình. Việt Nam là quốc gia châu Á vẫn mạnh mẽ và còn nguyên vẹn sau hàng thế kỷ bị xâm lăng.

Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với các quốc gia khác ngay cả khi có những quốc gia đã từng mang lại đau khổ và mất mát cho người dân Việt Nam. Việt Nam là quốc gia mà chính phủ quyết tâm thay đổi; là nơi các quan chức chính phủ tôn trọng và lắng nghe người dân. Là quốc gia anh dũng trong việc tha thứ, khoan dung và tình hữu nghị, Việt Nam sẽ đại diện cho những chuẩn mực của giáo dục công dân toàn cầu.

Khi tôi tới Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy như ngôi nhà thứ hai của mình nhờ sự tốt bụng và bản chất hiền lành của người dân, nhờ những nguồn tài nguyên về trí tuệ và kinh doanh của họ, và vì sự cam kết của họ đối với hòa bình và sáng tạo.

Thật vậy, Việt Nam đang thay đổi, phát triển lên một mô hình mới để xử lý những thay đổi trong quá trình toàn cầu hóa. Chúng ta sẽ chờ xem tương lai mang lại những gì, nhưng có một sự thật đó là Việt Nam ủng hộ giáo dục công dân toàn cầu, đó chính là lời cam kết, sự trưởng thành và tôn trọng đối với nhu cầu của loài người.

Anh Minh thực hiện