1. Từ nào còn thiếu trong câu “Ba chìm bảy nổi chín...”?
- Bấp bênh
- Lênh đênh
- Long đong
- Mênh mông
“Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh” là câu thành ngữ dùng để mô tả về cuộc đời, số phận của một người gặp nhiều khó khăn, vất vả, long đong, lên xuống nhiều phen.
2. Điền từ còn thiếu vào câu “Đáo… tùy khúc, nhập gia tùy tục”?
- Môn
- Gia
- Giang
- Hương
“Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục” được hiểu theo nghĩa nôm na là: “Đến nhà ai phải theo nề nếp, tục lệ nhà ấy; qua sông phải biết lựa khúc sông nông, cạn mà qua”. Hiểu rộng hơn, đây là lời răn dạy về cách sống phải biết ăn ở, cử xử phải phép, linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh và môi trường mới.
3. Từ nào còn thiếu trong câu “Ăn nể ngồi không,... cũng lở”?
- Núi đồng
- Vại đồng
- Vựa đồng
- Non đồng
“Ăn nể ngồi không, non đồng cũng lở” là một câu tục ngữ vừa phê phán, vừa răn đe những người ăn không ngồi rồi, không chịu làm thêm, ngay cả một núi tiền (trước đây tiền được đúc bằng đồng) rồi cũng sẽ có ngày cạn hết.
4. Điền từ còn thiếu vào câu “Băm hai cái răng đóng... cái lưỡi”?
- Băng
- Phăng
- Trăng
- Giăng
Trong câu “Băm hai cái răng đóng trăng cái lưỡi”, từ “trăng” là từ cổ dùng để chỉ cái gông. Đây là dụng cụ làm từ hai tấm ván hình chữ nhật to và dày, được khoét hai lỗ hình bán nguyệt để đóng vào cổ phạm nhân mắc trọng tội.
Câu này có thể hiểu nôm na khi răng khép lại lưỡi sẽ không nói được, mang ý nghĩa khuyên người ta nên cẩn thận về lời ăn tiếng nói, tránh thốt ra những lời có thể gây nên tai vạ.
5. Từ nào còn thiếu trong câu “Gió bấc hiu hiu,... kêu thì rét”?
- Bìm bịp
- Ếch
- Sếu
- Quạ
Thành ngữ ‘Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét” nói về kinh nghiệm dự báo thời tiết, khi gió bấc thổi, nghe thấy tiếng sếu kêu báo hiệu trời sắp chuyển rét.