Không bỏ sót người tài 

Địa phương lĩnh ấn tiên phong trong việc tổ chức thi tuyển để chọn lãnh đạo cấp sở, ngành trong cả nước có lẽ phải nhắc đến tỉnh Quảng Ninh. Tôi được biết, địa phương này đã xin ý kiến các bộ, ngành và mạnh dạn tiến hành, bí đâu hỏi đó. 

Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh ngày đó là Thủ tướng Phạm Minh Chính hiện nay có lần kể tôi nghe vào năm 2014 với một niềm tin rất sâu sắc cách làm này sẽ rất tốt. Theo ông, đó là cách tuyển chọn người tài công tâm, tránh tiêu cực một khi mọi việc đã công khai hoá.

Ông say sưa kể, hội đồng thi tuyển lần đầu (2013) là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đích thân Bí thư Tỉnh ủy là Chủ tịch hội đồng. Giúp việc hội đồng thi tuyển có ban thẩm định gồm lãnh đạo các cơ quan liên quan để xem xét, đối chiếu, thẩm định hồ sơ, kết quả công tác phấn đấu của thí sinh; kiểm tra, phỏng vấn sơ tuyển, sát hạch trình độ ngoại ngữ, tin học; giao đề tài cho đối tượng dự thi thực hiện.

{keywords}
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh với các thí sinh dự thi tuyển 2 vị trí chức danh: Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở TT&TT, tháng 1/2013

Đó là cuộc thi được tổ chức tháng 1/2013 để tuyển Trưởng Ban quản lý vịnh Hạ Long và Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông. Thật bất ngờ, chỉ với 2 chức danh nhưng đã có sự tham gia của 11 thí sinh, trong đó có 6 người thi chức danh Trưởng Ban quản lý vịnh và 5 người thi chức danh Phó giám đốc sở. 

Tôi đồ rằng, từ những thành công to lớn của một Quảng Ninh khởi sắc toàn diện hồi đó (giai đoạn 2011-2015) có cả điểm sáng về mô hình tuyển chọn lãnh đạo, mô hình tinh gọn biên chế trong hệ thống chính trị của địa phương. Tất cả việc làm nổi trội đó đã khiến Trung ương đưa Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Minh Chính vào "tầm ngắm" khi quy hoạch vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khoá 12 sau đó là rất sáng suốt.  

Hôm 12/1, phát biểu tại hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ công việc của ngành Nội vụ. Ông coi đó là ngành nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến bộ máy, con người, từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, ngành cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình tuyển chọn cán bộ, công chức để làm cơ sở thực hiện. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, xây dựng vị trí việc làm bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. 

Với con mắt của người từng đứng đầu ngành Tổ chức qua suốt 5 năm, Thủ tướng cho rằng: "Chúng ta phải thu hút nhân tài và việc thi tuyển rất quan trọng. Thi tuyển đã được cha ông đặt ra từ rất lâu, thế giới cũng đang thực hiện". 

Ông nhấn mạnh: "Người tài quan trọng nhất là phải có tư duy, phương pháp luận tốt. Khi đó, họ có thể học ngành này làm ngành kia, nhưng vẫn tiếp cận rất nhanh (trừ ngành quá chuyên sâu, môn khoa học cơ bản). Những người tài chỉ làm việc một vài năm, nhưng hiệu quả công việc đã bằng người khác làm 10 năm". 

Đừng nặng thi thố có sẵn trong đáp án 

Tôi hoàn toàn tán đồng chủ trương thi tuyển để Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị khi chọn được lãnh đạo có đủ tầm, đủ tâm đảm trách công việc được giao. Nhưng liệu có nên mở rộng ở cấp cao hơn nữa hay không thì có lẽ phải chờ một cuộc tổng kết sau khi chúng ta tiếp tục mở rộng thí điểm từ sau năm 2020 đến nay. 

Theo tôi, việc thi tuyển không chỉ góp phần tạo hiệu quả tốt cho công việc chung mà còn chống được nạn chạy chức, chạy quyền. Nếu không tổ chức thi tuyển sẽ làm thui chột tài năng của những người có tài, có đức và có nhân cách, không muốn chạy chọt tiêu cực.

{keywords}
Năm 2018, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình trao quyết định bổ nhiệm cho 3 nữ trưởng phòng được chọn qua thi tuyển

Kỹ năng lãnh đạo của ứng viên thi tuyển là việc họ biết dùng kinh nghiệm, kiến thức và năng lực của mình để định hướng, tạo sự ảnh hưởng, thúc đẩy được mọi người hành động nhằm đạt được mục tiêu công việc chung. Người có kỹ năng lãnh đạo vì thế phải luôn có tầm nhìn xa, khả năng tư duy chiến lược, có đủ các kỹ năng mềm và biết cách quản lý nhân viên, cấp dưới của mình hiệu quả.

Tôi có đề xuất nhỏ trong quá trình thí điểm thi tuyển hiện nay. Để tránh hình thức, máy móc, nặng về thi thố viết lách những gì có trong đáp án, hội đồng không nên cho nhiều điểm về kiến thức chung chung trong sách vở. Nên ưu tiên dành nhiều điểm cho điều kiện cần, đó là kỹ năng lãnh đạo cùng khả năng chuyên môn của người ứng cử, tức là đòi hỏi phải có trí tuệ thực thụ. Như thế sẽ tránh được hình thức trong thi tuyển.  

Nên chăng hội đồng thi tuyển có thể dùng tình huống giả định mà chính công việc của đơn vị này, tỉnh này đang khó giải quyết để ứng viên thi tài.  

Chuyện tìm người tài của các bậc tiền bối  

Dự kiến, đến quý 4 năm nay, chúng ta sẽ tổng kết 5 năm thực hiện thí điểm việc thi tuyển cán bộ lãnh đạo trước khi triển khai nhất quán và tổng thể trên cả nước.

Mới đây, trên Tuần Việt Nam ghi lại hồi tưởng của nguyên Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc. Ông kể về việc mình từng lên chức vụ phó khó thế nào vì trước đó, ông được đề bạt khá nhanh. Ông gặp phản ứng quyết liệt của vị thủ trưởng trực tiếp. Ông vụ trưởng dù là chỗ họ hàng nhưng vẫn ngăn cản vì cho rằng, ông Phúc lên như thế là quá nhanh. Trong khi bình thường ra thì với một chức cũng cần 4-5 năm đảm trách thì mới nên xem xét cất nhắc tiếp. 

Vào đầu những năm 1980, chúng ta quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo tuy chỉ ở cấp vụ cũng phải thông qua Ban Bí thư xem xét, rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt qua trước khi để lãnh đạo được phân cấp ký. Điều này cho thấy các vị lãnh đạo tiền bối tìm người thật công tâm, chuẩn xác.   

Thế rồi, những tưởng sự thăng tiến rất hanh thông như cái hồi ông Phúc từ trưởng phòng lên cấp vụ phó sẽ được tiếp nối. Nào ngờ phải mất 9 năm ông vẫn chỉ giữ cương vị vụ phó rồi mới được cất nhắc tiếp lên vụ trưởng. Tất nhiên, lần bổ nhiệm chức vụ trưởng này là nhờ ông đã để các lãnh đạo cấp cao thấy được năng lực xứng đáng của mình.  

Rồi sau 2 năm giữ cương vị vụ trưởng, ông Phúc được bổ nhiệm thứ trưởng. 9 năm 8 tháng sau, ông được Quốc hội tín nhiệm giao trọng trách Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư. Khi đã 62 tuổi, Quốc hội vẫn tín nhiệm ông và chọn đúng người, để ông nhận trọng trách này thêm nhiệm kỳ nữa. 

Từ thực tiễn này cho thấy, muốn tìm được lãnh đạo giỏi thì trước hết, cấp trên của họ phải biết phát hiện người tài. Nghĩa là cấp trên phải thật công tâm. Còn việc thi tuyển thì theo tôi vẫn nên có. Mục đích để khách quan. Thế nhưng không nên quá nặng nề, giáo điều mà nhiều khi bỏ lỡ cơ hội để người tài có điều kiện cống hiến. 

Chúng ta nên nhớ, ngay cả thời phong kiến, dù chế độ khoa bảng cực kỳ được coi trọng, thế nhưng khi bổ nhiệm ai đó có thực tài, các bậc tiền nhân cũng không hẳn coi nặng bằng cấp và có những ngoại lệ. Chính vì vậy mà cụ Cao Xuân Dục làm Thượng thư Bộ Học, phụ chính đại thần, như cụ Hoàng Cao Khải, cụ Nguyễn Công Trứ cũng chỉ có bằng cử nhân... 

Quan Thượng thư không học vị, bằng cấp 

Thậm chí cũng khá là đặc biệt như cụ Nguyễn Xuân Phiêu, Thượng thư Bộ Công thời vua Tự Đức. Vua đã trọng dụng người tài theo lối hứa hẹn kiểu như để khích lệ người đi học nước ngoài trở về. Nếu như học được và làm được thì trọng dụng cực kỳ xứng đáng và rất lạ.   

Vốn là người không có học vị, bằng cấp gì, vậy mà cụ Nguyễn Xuân Phiêu, người làng Hành Thiện, Nam Định đã phấn đấu trở thành quan Thượng thư Bộ Công. Cụ có nhiều đóng góp thiết thực về ngành kỹ nghệ phục vụ đất nước. Sự học của cụ không câu nệ hình thức mà chủ yếu là con đường tự học, thực học.

Năm 1881, cụ Nguyễn Xuân Phiêu có cha là cụ Nguyễn Xuân Huyền, quan Thị lang Bộ Công (ngang thứ trưởng bây giờ) được vua quý vì tài của cha mà nhận con vào làm việc trong cơ quan của cha với chức Thừa biện Công bộ, một chức nhỏ giao việc tạm một thời gian và chỉ có quyền thừa hành các việc được giao, không được phép bàn bạc. 

Ông Xuân Phiêu làm việc rất mẫn cán và rất thông minh. Vì thế ông được vua Tự Đức cử đi học các khoa kỹ nghệ của Tây Âu. 

Trước khi chàng trai trẻ đi học, vua Tự Đức khuyến khích: “Hễ học tập được kỹ nghệ một nước thì lấy lệ Cử nhân bổ dụng, kỹ nghệ hai nước thì lấy lệ Tiến sĩ bổ dụng, kỹ nghệ ba nước thì lấy lệ Hoàng giáp bổ dụng”. Điều này chứng tỏ vua Tự Đức rất coi trọng kỹ nghệ Tây Âu hồi cuối thế kỷ 19. Đối với người Việt Nam thời đó, các môn kỹ thuật chính xác của phương Tây là môn kỹ thuật cao và vô cùng mới lạ. 

Sau 6 tháng nghiên cứu thực tế tại nước ngoài, bằng trí thông minh hiếm có và sự chăm chỉ, chịu khó học tập, Nguyễn Xuân Phiêu đã nắm được nhiều kỹ thuật mới của phương Tây. 

Về nước, ông chế ra 2 khẩu súng (một khẩu kiểu của Anh, một khẩu kiểu của Pháp), mô hình một chiếc tàu Chalub, một đồng hồ kiểu Anh dâng lên vua. Mục đích để báo cáo kết quả học tập của mình. Một người không có bằng cấp khoa học mà chỉ bằng con đường tự học cùng trí thông minh đặc biệt mà chế tạo được những vật tinh xảo không kém gì kỹ thuật châu Âu thì thật là nhân tài. 

Nguyễn Xuân Phiêu xin vua cho thành lập các xưởng Bách công kỹ nghệ ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Biện Sơn để chế tạo vũ khí, đóng tàu thuỷ, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc bờ cõi, nhưng không được triều đình chấp nhận. Vua bước đầu chỉ phong cho ông chức Chủ sự Công bộ.

Đến năm 1886, Nguyễn Xuân Phiêu được giao nhiệm vụ mở xưởng đúc tiền niên hiệu Đồng Khánh. Năm 1887, ông được phong làm Bang biện Nha đúc tiền quốc gia. Năm 1894, ông được cử ra Thanh Hoá mở Nha Thông bảo (tức Nha đúc tiền) ở Cẩm Thuỷ và làm Bang tá nha này. 

Năm 1901 triều đình triệu ông về Huế, giao trông coi việc đóng tàu và sửa chữa tàu. Ông phát huy sở trường, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được vua ban cho áo gấm có thêu hình 9 con rồng, lại sai ông chế tạo xe hơi và các đồ ngự dụng. 

Năm 1906, ông làm Hộ lý Cục Nông Công kỹ nghệ. Năm 1911, ông chuyển làm Hộ lý Trường Bách công. Có thể coi ông là Hiệu trưởng đầu tiên của trường kỹ nghệ nước ta. Ông còn được triều đình tín nhiệm giao cho phụ trách sửa chữa các công trình trong Nội điện. Công việc hoàn thành mỹ mãn, vua thưởng cho ông 500 lạng bạc nhưng ông chỉ nhận 200 lạng đủ thanh toán tiền công cho thợ. 

Năm 1915, ông phụ trách tu sửa điện Thái Hoà. Việc hoàn thành, ông được ban Nhị hạng kim khánh và được thăng Tham tri bộ Công. Năm 1916, ông lại được thăng Thượng thư bộ Công (như chức bộ trưởng Công nghiệp bây giờ). 

Kể câu chuyện này để thấy một điều, ngoài việc thi tuyển công khai cho minh bạch và dễ tìm hiền tài, người lãnh đạo nói chung cũng rất nên để tâm tìm hiền tài mà nhiều khi họ ở ngay trước chúng ta.

Quốc Phong

‘Trung tá’ rồi, nói ngược lại đi!

‘Trung tá’ rồi, nói ngược lại đi!

Đêm 26/6/1996, tôi nhận được được điện thoại của anh Đỗ Trung Tá: Trung tá rồi! Vợ tôi bảo, “trung tá” nói ngược lại là ta trúng, có khi ông ấy bảo anh trúng Trung ương…