Nhiều thập kỷ qua, danh sách các công trình, dự án vốn đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần ngày một nối dài. Đến nay, sau rất nhiều chủ trương, giải pháp thực trạng này có vẻ vẫn không thay đổi mấy. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam,... có thể là “ứng viên dự bị” của danh sách này.
Sân bay Long Thành: Ủy ban Quốc hội phê tiến độ quá chậm
Lý do có tiền nhưng chưa làm cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành
Sốt ruột tiến độ dự án khủng
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua từ 2015, gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD, tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư là hơn 5,4 tỷ USD. Theo kế hoạch, năm 2020 dự án sẽ bắt đầu xây dựng các hạng mục đầu tiên, thế nhưng đến nay mới chỉ ở giai đoạn ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.
Theo báo cáo của Chính phủ thì hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2019. Nếu được Quốc hội thông qua, báo cáo NCKT sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2019.
Tiến độ sân bay Long Thành bị chê là quá chậm. |
Thẩm định quá trình đầu tư dự án này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét: Chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua từ tháng 6/2015, tuy nhiên, đến 2/6/2018 mới ký hợp đồng với tư vấn về việc thực hiện gói thầu tư vấn khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 là quá chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện chung của dự án.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ nguyên nhân, tác động và giải pháp khắc phục.
Ngay cả việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Ủy ban Kinh tế cũng đánh giá là “khá chậm”.
“Việc chậm tiến độ của dự án thành phần này có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ Dự án đầu tư giai đoạn 1 của Cảng HKQT Long Thành và ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân do việc thực hiện các quyền sử dụng đất bị hạn chế”, theo Ủy ban Kinh tế.
Thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 27/10, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách, đánh giá, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành - một công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, có cơ chế chính sách đặc thù song việc triển khai chậm, "đến nay chưa giải ngân được vốn".
Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cũng khiến Ủy ban Kinh tế bày tỏ sự sốt ruột. 55 nghìn tỷ nguồn vốn từ ngân sách đã được sắp xếp cho dự án nhưng chưa giải ngân được.
Đến nay, tiến độ thực hiện các dự án thành phần vẫn chỉ xác định là cơ bản hoàn thành năm 2021, đối với cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu dự kiến hoàn thành năm 2023.
“Như vậy, khả năng hoàn thành dự án theo Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội là khó khăn”, Ủy ban Kinh tế lo ngại. Do đó, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ để bảo đảm Dự án “không bị kéo dài”, “đạt được hiệu quả cao”.
Đường bộ cao tốc Bắc Nam còn dang dở, thì Bộ Giao thông Vận tải đã muốn tính đến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. |
Căn bệnh chưa chấm dứt
Nhiều thập kỷ qua, công trình dự án có vốn đầu tư công chậm tiến độ, đội vốn gấp nhiều lần liên tục diễn ra. Nhưng đến nay, sau rất nhiều chủ trương, giải pháp thực trạng này vẫn không thay đổi là mấy. Sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam phía Đông kể trên có thể tiếp tục là các “biểu tượng” tiếp theo.
Trước đó, hàng loạt công trình cũng đã bị điểm mặt. Điển hình là Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn 7.000 tỷ, còn dự án Nhổn - ga Hà Nội đội vốn từ mức 18,4 nghìn tỷ lên gần gấp đôi, với số vốn là 32,9 ngàn tỷ đồng; Dự án Bến Thành - Suối Tiên tăng tổng mức đầu tư từ 17.388 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng và kéo dài thời gian thực hiện đến nay đã 12 năm vẫn chưa hoàn thành; Dự án Bến Thành - Tham Lương tăng từ 26.116 tỷ đồng lên 48.771 tỷ đồng... Vì số vốn đội lên quá lớn nên các dự án này lâm cảnh khát vốn, phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Quốc hội để phê duyệt tổng vốn đầu tư điều chỉnh.
Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn đánh giá: Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Một số dự án quan trọng quốc gia như: Đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai chậm.
Vì đâu tình trạng này kéo dài triền miên không dứt? Bên cạnh vô số lý do khách quan được đưa ra, thì Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng điểm mặt nguyên nhân từ “con người”.
Theo cơ quan này, nhận thức, tư duy của một bộ phận cán bộ còn chưa theo kịp quá trình đổi mới theo yêu cầu của Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26 của Quốc hội, vẫn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn ngân sách Trung ương nên vẫn đề xuất các dự án vượt quá mức cân đối vốn được giao, bố trí vốn dàn trải, phải điều chỉnh lại làm chậm quá trình giao kế hoạch vốn.
“Chất lượng cán bộ tại một số đơn vị còn hạn chế nên việc chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; chất lượng dự toán thấp, khả năng thực hiện không bảo đảm”, theo Ủy ban Tài chính ngân sách.
Chậm trễ, đội vốn tỷ USD: Lại xin vay nợ nước ngoài
Các tuyến đường sắt đô thị tăng vốn “khủng" nên cần được bổ sung thêm vay vốn nước ngoài.
Lương Bằng