Theo một báo cáo gần đây của Google và Temasek về triển vọng nền kinh tế số của ASEAN, quy mô kinh tế Internet của Việt Nam năm 2018 vào khoảng 9 tỷ USD. Kinh tế số Việt Nam được dự đoán đạt mức tăng trưởng 35% mỗi năm trong giai đoạn 2015 – 2018 và chiếm khoảng 4% GDP, cao nhất trong khối các nền kinh tế ASEAN.
Trong đó, lĩnh vực du lịch trực tuyến, thương mại điện tử, giao vận trực tuyến và truyền thông trực tuyến sẽ chiếm tỷ trọng lớn. “Báo cáo e-Conomy SEA 2018” của Google và Temasek công bố cũng cho thấy, giá trị thị trường kinh tế số tại Việt Nam đạt 33 tỉ USD vào năm 2025.
Tỷ trọng đóng góp của nền kinh tế Internet đối với GDP các quốc gia trong khu vực ASEAN. |
Các kết quả thống kê đều cho thấy, Việt Nam có sự phát triển rất nhanh về hạ tầng công nghệ. Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Theo số liệu mới nhất, cả nước hiện có trên 40.000 trạm phát 4G, phủ sóng hơn 90% dân số. Tốc độ Internet trung bình của Việt Nam là 9,5 Mbit/giây, cao gấp 2 lần quốc tế.
Với nền tảng hạ tầng tốt, hệ sinh thái khởi nghiệp khá đang dạng, cùng sự hứng khởi với công nghệ của người dân, Việt Nam có nhiều điều kiện tốt để phát triển về công nghệ. Vấn đề đáng quan ngại đối với Việt Nam hiện nay chính là môi trường kinh doanh cho sự phát triển của ngành kinh tế số vẫn còn hạn chế.
Dự đoán của Google và Temasek cho thấy, quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025. |
Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số đánh giá sự nghiêm ngặt của các quy định pháp luật liên quan tới kinh tế số của Việt Nam được xếp ở mức 0,45 điểm. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình của các nước được WEF đánh giá, tương đương với vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng của WEF.
Điều này cho thấy chính sách pháp luật của Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Cụ thể đó là sự tồn tại của nhiều quy định bất cập, gây trở ngại cho hoạt động thương mại, đầu tư, dịch vụ liên quan tới công nghệ.
Do đó, sẽ không có môi trường thuận lợi cho tài năng số, lực lượng lao động có kỹ năng về kinh tế số nếu chúng ta không có những thay đổi về tư duy quản lý kinh tế theo hướng Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Những thách thức của tư duy quản lý đã cũ
Cuối năm 2018, cả nước nóng lên về phiên tòa giữa Vinasun và Grab, hai đại diện tiêu biểu của nhóm các doanh nghiệp truyền thống và những công ty đi lên từ công nghệ.
Vinasun cho rằng dù Grab tự nhận là công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực chất là doanh nghiệp kinh doanh vận tải như taxi. Thực tế cho thấy, TAND Tp.HCM đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun và bắt Grab phải trả số tiền đền bù thiệt hại là 4,8 tỷ đồng.
Trước đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) từng đề nghị Bộ TT&TT không cấp phép cho Facebook trong trường hợp mạng xã hội này phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Đồng thời, VNPayTV cũng đề nghị Bộ TT&TT tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Amazon, NetFlix.
Vụ kiện của Vinasun và Grab là điển hình cho mâu thuẫn giới các công ty công nghệ và các mô hình kinh doanh truyền thống. |
Những vụ kiện này đều tới từ nguyên nhân các nhóm doanh nghiệp truyền thống đang cảm thấy sức ép của những loại hình dịch vụ mới, trong khi đó, nhà nước vẫn còn băn khoăn việc xếp các công ty mới ở đâu trong bảng phân loại các mô hình kinh doanh.
Có thể thấy, công nghệ đang cho thấy quyền năng của mình khi xóa nhòa đi mọi giới hạn, khiến cách phân ngành truyền thống trước đây không còn đủ khả năng định nghĩa cho một mô hình kinh doanh mới.
Từ góc độ tạo ra sản phẩm, đã không còn một chủ thể sở hữu duy nhất mà là đồng sở hữu. Trong khi Grab, Uber, Youtube, Facebook sở hữu nền tảng, người dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi sở hữu chất liệu là xe cộ, nội dung.
Từ góc độ biên giới quốc gia, đã không còn một đường biên để phân định chủ quyền tài phán theo cách hiểu truyền thống. Internet là không biên giới. Người dùng Internet vì thế đồng thời là chủ thể đồng sản xuất, đồng sở hữu và không còn bị đóng khung trong những cột mốc biên giới.
Điều đó đã làm phát sinh một nhu cầu thực tế về sự mềm mại trong tư duy quản lý và cả cách vận hành chính sách. Nếu không thì chỉ một ngày không xa, chúng ta sẽ thấy các bưu điện kiện Goolge vì đã tạo ra thư điện tử Gmail, các ngân hàng kiện dịch vụ ví điện tử hay các câu lạc bộ kiện Mark Zuckerberg vì đã tạo ra mạng xã hội.
Khung pháp lý là một thành tố quan trọng của nền kinh tế số. Nếu có một khung pháp lý phù hợp, nó sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi giữa nền kinh tế và nền kinh tế số diễn ra một cách mau chóng và mạnh mẽ hơn ở Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là công nghệ. |
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các chính sách của Chính phủ liên quan tới kinh tế số, công nghệ số, Internet phải có tính cạnh tranh toàn cầu để người Việt Nam không phải ra nước ngoài khởi nghiệp công nghệ số mà còn để người nước ngoài, tài năng toàn cầu về Việt Nam phát triển công nghệ.
Đây là lúc để loại bỏ cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống là quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng.
Thay vào đó, chúng ta phải chuyển sang cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là "cách tiếp cận sandbox". Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, hình thành qui định để quản lý.
Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc CMCN lần thứ 4, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới và các sáng tạo đổi mới, bởi các sáng tạo mang tính cách mạng luôn kèm theo đặc tính phá huỷ cái cũ.