Việc xóa mù tiếng Anh lúc này chính là rào cản đầu tiên và quan trọng nhất phải giải quyết nếu muốn trở thành một nước công nghiệp tiên tiến phát triển.

Ngay sau khi thành lập nước năm 1945, chiến lược đầu tiên của nước Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ không phải là xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng nhà máy, quân đội…mà là chiến dịch “diệt giặc dốt”. Nhận thức được việc “mù chữ là quốc nạn” của dân tôc, ngày 8/9/1945 Chính phủ đã ban sắc lệnh thành lập các lớp Bình dân học vụ nhằm xóa mù chữ cho toàn dân. Đến cuối năm 1946, miền Bắc đã có thêm 2,5 triệu người biết đọc, biết viết. Năm 2000 Việt Nam đã cơ bản thực hiện xong việc xóa mù chữ. Từ đó đến nay, với sự nỗ lực của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã thu được thành tích không nhỏ trong việc phổ cập giáo dục.

Là quốc gia đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam luôn được các tổ chức Quốc tế đánh giá cao về thành tích giáo dục và phổ cập giáo dục so với các nước có mức thu nhập tương đương. Trong những năm gần đây, ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo liên tục được tăng lên nhằm đầu tư cho phổ cập giáo dục ở vùng sâu vùng xa, đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng giáo viên…Chính phủ Việt Nam còn tiến hành thực hiện “dự án giáo dục tiểu học cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn”.

{keywords}

Nhìn lại vấn đề học ngoại ngữ và phương hướng phổ cập ngoại ngữ hiện nay ai cũng biết là “học ngoại ngữ càng muộn càng khó”. Ảnh minh họa: Giadinhvn.vn

Mục tiêu đến năm 2015 là thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì nâng cao kết quả phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và chống tái mù chữ. Đạt được 85% đơn vị cấp tỉnh, 85% đơn vị cấp huyện, 80% đơn vị cấp xã chuẩn chống mù chữ. Nâng cao tỷ lệ người thiểu số biết chữ lên 86% (ở độ tuổi 15-60) và 88% (ở độ tuổi 15-35).

Khi việc xóa mù chữ của nước ta đã dần dần ổn định và đang được cải thiện, thì vấn đề tiếp theo cũng quan trọng không kém là việc xóa mù ngoại ngữ. Từ xóa mù chữ tiến đến xóa mù ngoại ngữ đang được gắn kết lại với nhau để nâng cao được trình độ ngoại ngữ mà vẫn giữ được bản sắc của tiếng mẹ đẻ. Hiện nay môn ngoại ngữ ở các trường phổ thông của nước ta tập trung vào các môn Anh, Nhật, Trung, Nga, Pháp.

Tuy mỗi ngôn ngữ đều có vẻ đẹp và sự hấp dẫn riêng, nhưng tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ chung của thế giới và là phương tiện để mọi người có thể truy cập đi bất cứ nơi đâu. Việc xóa mù tiếng Anh lúc này chính là rào cản đầu tiên và quan trọng nhất phải giải quyết nếu muốn trở thành một nước công nghiệp tiên tiến phát triển. Đã từ lâu tiếng Anh được coi là cánh cửa của quá trình hội nhập và chiếm được hơn 90% số lượng học sinh theo học. Tuy nhiên, cho đến nay trình độ tiếng Anh của học sinh nước ta vẫn còn chưa được cải thiện và việc học môn ngoại ngữ ở nước ta hiện nay đang trở thành vấn đề đáng lo ngại.

Những hạn chế cơ bản cần đề cập đến là do chất lượng giáo viên còn thấp, phương pháp giảng dạy lạc hậu, học trò không cố gắng tiếp thu kiến thức. Khâu quản lí giáo trình còn yếu kém, nhiều giáo trình còn chưa được thẩm định chất lượng xem có phù hợp với học sinh Việt Nam hay không? Hệ thống phục vụ cho việc giảng dạy tiếng anh còn chưa được đầu tư. Các trung tâm đào tạo ngoại ngữ ở nhiều địa phương đã không duy trì được phong độ và chất lượng giảng dậy nên phải tự giải thể đẫn đến nhu cầu học tiếng Anh giảm dần.

Kết quả dạy và học tiếng anh cũng ít được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, mặc dù đã có thời gian được học ngoại ngữ tương đối dài (6-7 năm), nhưng hầu hết học sinh lớp 12 của nước ta còn kém xa học sinh các nước trong khu vực về trình độ nghe và nói.

Thực trạng đó đã được thể hiện rất rõ trong kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa rồi, kết quả thi môn tiếng Anh trong cả nước có hơn 80% thí sinh đạt từ điểm 5 trở xuống. Kết quả này đã trở thành một “sự kiện” đáng buồn cho sự nghiệp giáo dục của nước ta. Điều đó cho thấy rằng, đã thế kỷ 21 rồi mà con em chúng ta vẫn ở trạng thái “mù mờ” tiếng Anh. Trong khi đất nước ta lại đang ở trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Nếu không xác định đúng về ngoại ngữ và cải thiện trình độ ngoại ngữ thì không thể quan hệ lâu dài với đối tác nước ngoài được.

Bởi vì, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và trong một tương lai không xa đối với thế hệ con cháu của chúng ta, nếu mỗi người chỉ học tốt một môn tiếng Anh thôi thì vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Nhìn lại vấn đề học ngoại ngữ và phương hướng phổ cập ngoại ngữ hiện nay ai cũng biết là “học ngoại ngữ càng muộn càng khó”. Vì thế, mà các giải pháp cần phải được triển khai thực hiện ngay. Giáo viên muốn dạy tốt ngoại ngữ thì phải biết làm cho những giờ học thành những giờ truyền lửa. Học sinh muốn học giỏi ngoại ngữ thì không nên coi ngoại ngữ là một môn học mà phải coi nó là phương tiện, công cụ để học những môn khác. Việc đào tạo ngoại ngữ lúc này thực sự là việc đáng được ưu tiên trong giáo dục. Có như vậy thì mới trình độ ngoại ngữ của toàn xã hội mới được nâng cao trước ngưỡng cửa của thời kì hội nhập.

Nguyễn Thúy Hạnh