Thống kê thiệt hại sau siêu bão Yagi cho thấy, chỉ một trang trại điện gió ở đảo Hải Nam bị ảnh hưởng, một số tua-bin gió dọc bờ biển bị va đập và hư hỏng.
Nguyên nhân thiệt hại do trang trại điện gió này không hoạt động thời điểm đó, đang trong quá trình nâng cấp thay thế 32 tua-bin gió nhỏ bằng 16 phiên bản lớn hơn, hiệu quả hơn và có khả năng chống bão. Kế hoạch nâng cấp dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10 nhưng cơn bão đã làm một số tua-bin mới bị hỏng. Chi phí đầu tư một tua-bin gió lên tới hàng triệu USD.
Theo các chuyên gia, chính vì không hoạt động nên các trang trại điện gió này bị ảnh hưởng nghiêm trọng của bão. Các tua bin gió được thiết kế để triển khai trên toàn cầu ở những khu vực có tốc độ gió trung bình đến cao, chống chịu được những cơn bão.
Nếu đang hoạt động khi có bão, tua-bin sẽ tự động ngừng các cánh quạt và điều chỉnh hướng bằng cơ chế điều khiển độ lệch để giảm sức cản của gió. Ngoài ra, các tua-bin còn có khả năng điều chỉnh độ lệch thích ứng dựa trên hướng của cơn bão, vuông góc với hướng gió thổi tới.
Qin Haiyan, Tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng gió Trung Quốc, cho hay, hơn 10 năm trước, các tua-bin gió thỉnh thoảng bị hỏng do bão, nhiều ý kiến phản đối lắp đặt điện gió tại các vùng bờ biển phía Nam. Những tiến bộ trong thiết kế trang trại gió giúp các tua-bin có khả năng chịu đựng trước bão. Bão Yagi có sức gió lên tới cấp 17, một số tua-bin công nghệ mới có khả năng chống bão tuyệt vời.
Đơn cử những tua-bin gió của Mingyang Smart Energy, một nhà sản xuất tua-bin gió tư nhân lớn tại Trung Quốc. Những tua-bin gió công nghệ mới có công suất lên tới 20 MW, mới chỉ hoàn thành lắp đặt vào cuối tháng trước.
Tua-bin có đường kính cánh quạt là 292m, bao phủ diện tích quét gió tối đa tương đương với 9 sân bóng đóng. Đường kính cánh quạt lớn hơn giúp tăng diện tích thu năng lượng gió, qua đó tăng hiệu quả phát điện.
Công ty cho biết, các tua-bin được lắp đặt tại các khu vực có sức gió mạnh và địa điểm thường có bão. Hơn 1.700 tua-bin tại 51 trang trại gió của công ty đã vượt qua được thử thách của Yagi.
Một trang trại gió khác ở tỉnh Quảng Đông của công ty Mingyang Tiancheng cũng vượt cơn bão Yagi mà không bị ảnh hưởng gì. Hệ thống điện gió của công ty này được giới thiệu là nền tảng điện gió nổi nguyên khối lớn nhất thế giới. Hệ thống có khả năng điều chỉnh độ lệch thích ứng dựa trên hướng của cơn bão, do đó tua-bin luôn vuông góc với hướng gió thổi vào.
Với nguồn tài nguyên gió dồi dào và lợi thế về chi phí trong điện gió ngoài khơi, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về công suất điện gió ngoài khơi đang hoạt động.
Tính đến năm ngoái, Trung Quốc đã có hơn 160 trang trại gió ngoài khơi trên 12 tỉnh ven biển, với tổng công suất lắp đặt vượt hơn 39 triệu kw, theo Hiệp hội Năng lượng tái tạo Trung Quốc.
(Theo SCMP)