Dòng tiền quay về sàn chứng khoán
Chứng khoán trong tuần đầu tiên cách ly toàn quốc đã có nhiều diễn biến phức tạp. Những ngày đầu, các hợp đồng tương lai mở phiên trong ngày luôn tăng mạnh để rồi ngay sau đó liên tục lao dốc và thu hẹp đà tăng dù vẫn giữ được mức trên tham chiếu. Sang phiên chiều, nhờ tâm lý tích cực quay trở lại, các hợp đồng bứt phá và kết phiên ở mức gần như cao nhất trong ngày. Tuy nhiên khối ngoại tiếp tục mua ròng trong nhiều phiên liên tiếp đã kích hoạt sự sôi động.
Cuối tuần qua và đầu tuần nay, với việc giới thiệu kế hoạch sáp nhập FLC Faros vào GAB, cổ phiếu “họ FLC” sáng nay tăng trần ồ ạt, hầu hết đều không còn dư bán trong khi nhà đầu tư liên tục tung lệnh mua ở mức giá trần. Hàng loạt cổ phiếu tăng trần trong tuần qua. FLC tăng trần lên 2.839 đồng; HAI tăng trần lên 2.950 đồng; AMD tăng trần lên 3.130 đồng; ROS cũng tăng trần lên 3.720 đồng/cổ phiếu.
Mỗi ngày trôi qua, các nhà đầu tư cực kỳ căng thẳng, đây là kênh đầu tư cần có thần kinh thép và kinh nghiệm sâu mới dám nhảy vào cuộc chơi.
Bất động sản “găm hàng” chờ qua dịch Covid-19
Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2020 do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) công bố mới đây cho thấy, ở phân khúc bất động sản nhà ở, tổng lượng căn hộ chào bán trên cả nước trong quý (gồm cả hàng tồn kho và mới mở bán) đạt 53.236 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 7.641 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14,3%. Trong đó, riêng lượng cung mới chào bán là 18.695 sản phẩm và lượng giao dịch đạt 2.769 sản phẩm (chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Ngay tại Hà Nội và TP.HCM - hai thành phố đầu tàu về bất động sản nhà ở cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng giao dịch. Cụ thể, tại Hà Nội, quý I/2020 chỉ ghi nhận có 181 giao dịch trên tổng số 1.167 căn hộ được chào bán, trong khi so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ này là 3.141 giao dịch trên tổng số 4.654 căn hộ chào bán.
Tương tự, tại TP.HCM, trong quý I cũng chỉ ghi nhận có 815 giao dịch thành công trên tổng số 4.664 căn hộ chào bán. So với quý I/2019, tỷ lệ này là 2.613 giao dịch trên 3.040 căn hộ chào bán.
Cũng theo VARs, mặc dù thị trường vô cùng trầm lắng song giá bán bất động sản không hề có sự sụt giảm so với quý IV/2019 và chưa có bất cứ doanh nghiệp nào công bố chính sách giảm giá sản phẩm.
Đối với các dự án du lịch, nghỉ dưỡng, trong quý I/2020 sản phẩm mới chào bán ra thị trường rất hiếm, có một số ít các giao dịch đến từ các dự án đã chào bán trước đó. Tính đến hết năm 2019, trên cả nước (ngoại trừ Phú Yên, Quảng Bình, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM,… và các tỉnh khu vực rừng núi) có 139.281 sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng, trong đó 41.667 sản phẩm đã đi vào sử dụng.
TP. Nha Trang trong tuần đầu cách ly đã thưa vắng người. Nhiều du khách nước ngoài vẫn phơi nắng cả ngày trên bãi biển Trần Phú |
Một trong những yếu tố khiến bất động sản du lịch vẫn giữ nguyên giá vì nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường cũng không có nhiều. Nhiều địa phương không có dự án mới và hàng hóa chào bán trên thị trường vẫn là các dự án đang xây dựng.
Nhìn nhận về thị trường trong thời gian tới, ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills cho rằng, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn cho thấy Việt Nam an toàn về cả y tế, kinh tế, chính trị. Đây sẽ là nguồn cầu tiềm năng cho thị trường BĐS trong thời gian sắp tới. Hiện tại là lúc doanh nghiệp BĐS nên ở trong giai đoạn chuẩn bị, tích cực cơ cấu lại sản phẩm, coi trọng phát triển nhà ở. Người dân và doanh nghiệp có niềm tin là đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, khống chế hiệu quả (tương tự như dịch SARS năm 2002 - 2003) và nền kinh tế cũng như thị trường BĐS sẽ phục hồi và tăng trưởng trở lại ngay sau khi chấm dứt đại dịch.
Bích Nga