- Giao thoa với cổ điển, thính phòng không phải là lần đầu tiên Tùng Dương thử sức. Anh đã từng làm điều này trong nhiều chương trình như Điều Còn Mãi, Toyota Concert… Nhưng ở Toyota Classics năm nay, Tùng Dương đã giới thiệu những điều mới mẻ hơn.

Trước đây, Tùng Dương đã vượt qua những ngọn núi để chinh phục khán giả thính phòng bằng những bài hát nhạc đỏ như Trường ca sông Lô, Người lái đò trên sông Pô Kô... Cần nhấn thêm rằng hát nhạc đỏ không phải là "đặc quyền" của các ca sĩ nhạc nhẹ bởi phong cách này đòi hỏi người hát phải có kỹ thuật điều tiết hơi điêu luyện. Và việc một ca sĩ hát nhạc đỏ cùng một dàn nhạc giao hưởng lại là một "ngọn núi" khác, đầy thách thức.

{keywords}

Tùng Dương với phần biểu diễn của anh với Độc đạo.

Vẫn "quái" cùng cổ điển

Và lần này, Tùng Dương lại tiếp tục leo núi với chính mình. Trong không gian âm nhạc đương đại tưởng chừng đã quen đến từng tiếng chạm nhẹ của âm thanh điện tử, nhịp đập của tiếng bass vang rền ấy, bỗng dưng Tùng Dương bỏ hết để kết hợp cùng cổ điển.

Nhạc đương đại kết hợp cùng cổ điển luôn mang đầy yếu tố rủi ro, hoặc sẽ trưng trổ quá đà, hoặc bị cổ điển nhấn chìm. Những nghệ sĩ danh tiếng như Bjork hay Peter Gabriel đã thành công vang dội nhờ giữ được thăng bằng, quyện được cả hơi đương đại lẫn màu cổ điển.

{keywords}

Với dàn nhạc giao hưởng Baltic Neopolis, Tùng Dương đã có một tiết mục biểu diễn thăng hoa như chính anh mà không không phải kìm mình xuống.

Tùng Dương mang đến Toyota Classics năm nay với 2 nhạc phẩm đương đại Độc đạo (bài hát trong album cùng tên phát hành năm 2013) và Mắt đen (bài hát nằm trong album sắp phát hành, Rễ cây) và bung tỏa mọi năng lượng trong không gian điện tử.

Việc "buông" điện tử trong một đêm trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn của Tùng Dương. Và anh đã làm được, biến cuộc trình diễn của mình thành một cuộc hội thoại ý nghĩa giữa hai đối tượng, giúp nhạc cổ điển đến gần hơn công chúng và giúp công chúng cổ điển hiểu hơn về âm nhạc đương đại.

Những quãng cao của Tùng Dương được phối bè phức điệu đã làm tiếng hát của anh bay cao. Đây thật sự là một bản phối khá sáng tạo của nhạc sĩ người Anh gốc Singapore đa tài Pamela Tan Nicholson. Bà không lấy mất đi của Tùng Dương không gian thăng hoa, không làm giọng hát của anh bị căng mà ngược lại, Tùng Dương như thể tìm thấy cho mình một chỗ nương tựa cảm xúc đầy năng lượng nơi dàn nhạc, giúp cho anh có được điểm tựa để khoe cột hơi khỏe khoắn và vẫn tiếp tục ma mị.

Đêm của giao thoa ngập tràn

Sự thành công trong màn trình diễn của Tùng Dương là một phần trong đêm đáng nhớ của Toyota Classics. Một lần nữa, bộ đôi Pamela Tan Nicholson - Vasko Vassilev đã mang đến cho khán giả Việt Nam những khoảnh khắc khó quên bởi thứ âm nhạc mà họ mang lại được tích tụ bằng rất nhiều cảm xúc.

{keywords}

Pamela Tan Nicholson đóng luôn vai trò người dẫn chuyện

Nền cổ điển rộng lớn và bao la luôn tạo nên những cánh đồng âm nhạc hiện đại màu mỡ và đa dạng. Trên cánh đồng Toyota Classics đêm qua, nghệ sĩ Pamela Tan Nicholson đã đưa người nghe trở về thời đại của Puccini, Verdi hay Bizet bằng một chuyến xe đương đại được bà giao thoa trong ngôn ngữ của riêng mình.

Chẳng hạn như câu chuyện của nàng Carmen vốn dĩ đã rất nổi tiếng đó là một trong những vở opera nổi tiếng nhất thế giới với những giai điệu mang đậm chất Tây Ban Nha. Những nghệ sỹ huyền thoại như Paco de Lucia hay vũ công Flamenco vĩ đại nhất mọi thời, Antonio Gades đều có những phiên bản chuyển thể cho riêng mình.

Nhưng trong thế giới quan của Pamela Tan Nicholson, niềm đam mê, sự nguy hiểm và nỗi đau đớn được truyền tải theo một phong cách mới mẻ, tràn trề sức mạnh và sự hoa lệ được điểm xuyết bởi những khoảnh khắc tối tăm mang đến những dự cảm đầy bão tố.

{keywords}

Pamela và Vasko Vassilev – nghệ sĩ violon kiêm nhạc trưởng chào khán giả sau khi trình diễn tác phẩm Cùng nâng ly và ca hát.

Hoặc như câu chuyện Madame Butterfly của Puccini với nội dung về một nàng geisha ngây thơ, quyến rũ đã khiến cho trái tim của một sĩ quan hải quân Mỹ bị loạn nhịp. Khi ước mơ về một cuộc hôn nhân chính thức với người đàn ông là cha của đứa con trong bụng mình bị tan vỡ hoàn toàn, cô gái trẻ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc để chàng tự do, không còn ràng buộc bởi lời hứa năm nào và bản thân cô cũng giải thoát mình khỏi sự tủi nhục.

Nỗi đau khổ tột đỉnh của người thiếu nữ đã được thể hiện rất ấn tượng qua phong cách âm nhạc mang đậm tính đương đại của Pamela Tan Nicholson. Ngay từ những nốt nhạc đầu tiên, người nghe đã có thể cảm thấy số phận mong manh và sự bi thương của Madame Butterfly khi bi kịch đời cô dần dần được hé lộ.

Tiếng đàn của Vasko Vassilev cùng dàn nhạc giao hưởng Balan Baltic Neopolis đã giúp cho không gian của Pamela Tan Nicholson đầy ắp những thi vị cùng những câu chuyện gợi mở.

Khi tưởng chừng bữa tiệc đã tàn bất ngờ, bộ đôi Pamela Tan Nicholson - Vasko Vassilev đã đưa khán giả trở lại trong không gian sôi động của chùm ca khúc ABBA: Mamma Mia, Waterloo và Dancing Queen. Và họ cũng tặng cho khán giả Việt Nam một bài hát nổi tiếng của nhóm Bee Gees, How deep is your love và kết thúc bằng khúc nhạc kinh điển của nhạc sĩ Lalo Schifrin trong bộ phim Điệp vụ bất khả thi.

Đan Đan