Tôi là dân khối A, 12 năm học chưa bao giờ nghĩ tôi nghĩ tương lai làm bác sĩ. Tôi thi y đơn giản chỉ thi “sơ cua” cho biết, không mong đỗ. Tôi đăng ký thi trường Đại học Y Hải Phòng. Ngày nhận tin đỗ 2 trường đại học, cả làng, cả họ ngưỡng mộ. Tôi là người đầu tiên trong làng, trong dòng họ đỗ trường Y. Ai cũng động viên mình học y vì sau này được mọi người kính trọng và giúp được nhiều người.
Ngày đặt chân vào trường y tôi đã khóc vì không thích. Năm đầu tiên, tôi chỉ đi dạy thêm lớp 13 để quyết tâm năm sau thi lại trường xây dựng. Tôi trốn học liên miên. Tổng kết năm thứ nhất, tôi suýt không đạt. Bố mẹ luôn động viên không được bỏ trường y. Và 3 năm đầu trường y là 3 năm khổ sở của tôi. Tôi không thích và không học nên điểm thi lúc nào cũng trong nhóm "đội sổ".
Đến năm thứ 4 đại học, mẹ tôi bị ung thư vú. Tôi chăm sóc mẹ khi bà mổ tại bệnh viện K (Hà Nội). Bệnh viện K lúc đó đông, quá tải. Bệnh nhân sau mổ cũng phải nằm gầm giường. Lúc đó, tôi mới thực sự thích làm bác sĩ. Tôi lại thích chuyên ngành ngoại khoa và bắt đầu học. Sáu năm học trường y đã kết thúc. Tôi chỉ được bằng trung bình - khá.
Tôi cầm bằng của trường y về quê xin việc 2 bệnh viện tuyến tỉnh không nhận. Bệnh viện Sản nhi Vĩnh Phúc nơi tôi đang công tác hiện nay mới thành lập thiếu bác sĩ nên tôi được nhận vào làm. Tôi chỉ được làm khoa nhi chứ không được làm hệ ngoại như tôi mong muốn.
Làm 3 tháng không lương thêm 1 năm lương 1.150.000 đồng. Tôi đi làm bác sĩ nhưng vẫn về quê xin tiền bố mẹ. Lúc đó, tôi cũng định bỏ bệnh viện đi làm tư nhưng gia đình thuyết phục ở lại quê vì các anh chị đi làm xa hết, nhà không còn ai. Suốt 4 năm, tôi đã đăng ký đi học các lớp của dự án bệnh viện vệ tinh khi ấy, mỗi năm học vài lớp, học mãi cũng thấy “khôn” dần ra và yêu cái nghề bác sĩ nhi lúc nào không hay.
Tôi lập gia đình nhưng trong tay chẳng có tiền. Cuộc sống thực sự khó khăn khi tổng thu nhập 2 vợ chồng không đủ 10 triệu đồng/tháng (ở thời điểm năm 2016). Hằng tháng, vợ chồng tôi cũng vay nóng để trang trải tiền sinh hoạt. Nhìn qua bạn bè cùng tuổi học trường khác thấy kinh tế khá giả. Tôi thèm.
Khi tôi đưa ra ý định sẽ mở phòng khám ở quê với ý tưởng khám chữa bệnh hạn chế thuốc, gia đình 2 bên phản đối kịch liệt. Tôi bị coi là dị biệt bởi vì ở quê trẻ con mỗi lần ốm là uống thuốc thay ăn cơm, nếu tôi làm ngược sẽ khó trụ.
Suốt nửa năm, tôi "lọ mọ" đi xe máy hơn 20km từ nơi làm việc về phòng mạch nhưng chẳng có bệnh nhân. Phòng khám mỗi ngày có được 1 hoặc 2 người nhưng tôi không từ bỏ việc khám bệnh theo quan điểm hạn chế dùng thuốc và đến nay, tôi đã nhận thấy triết lý này ngày càng tốt đẹp.
Mới đây, một bác sĩ trẻ về khoa thử việc. Bạn ấy đã làm 3 khoa ở 2 bệnh viện. Hai năm sau, bạn ấy vẫn chưa biết sẽ thích làm khoa nào. Vì theo bạn, khoa nào cũng thấy ít tiền. Tôi bảo: Em đã làm bác sĩ phải xác định 2 việc là có tình thương người và không được dốt trong lĩnh vực. Nếu dốt trong lĩnh vực mình làm sẽ hại người khác và hại chính bản thân bác sĩ. Một bác sĩ giỏi trong 1 lĩnh vực nào đó, bạn có nhiều cách kiếm ra tiền như làm cho 1 bệnh viện lớn hoặc làm bệnh viện tư hoặc mở phòng mạch của riêng mình.
Thỉnh thoảng bạn bè hay hỏi sao tôi lại là bác sĩ nhi. Tôi cười: cái nghề nó chọn chứ mình không chọn nghề, có lẽ đó là cái nghiệp của mình rồi. Nếu bạn đã xác định dấn thân vào ngành y là chấp nhận nhiều khổ cực, nhất là trong giai đoạn xã hội còn “quá độ”, niềm tin, sự tôn trọng dành cho ngành y còn quá thấp như hiện nay.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo - Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc