Nguy cơ tử vong cao

Ngày 13/7, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chia sẻ về ca phẫu thuật nối da đầu đứt lìa cho nữ bệnh nhân 43 tuổi. Khi chị Hà Thị B. (sống tại TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên) giúp chồng khoan giếng, mái tóc của chị đã bị cuốn vào máy khoan dẫn tới lột hết mảng da đầu.

11h trưa 22/4, chị B. được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên. Tại đây, bác sĩ đã sơ cứu như cầm máu, băng ép, an thần, đặt nội khí quản, thở máy, giảm đau, bù dịch, vận mạch.

11 tiếng sau, bệnh nhân được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cùng với phần mô đứt rời được bảo quản. 

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Duy Quang chia sẻ về ca lóc da đầu của bệnh nhân ở Điện Biên

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng dùng thuốc an thần, thở máy, mất máu nhiều. Các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình đã hội chẩn với chuyên khoa thần kinh, thống nhất tập trung vào vết thương lóc da đầu. Sau 1 - 1,5 tiếng cấp cứu, làm xét nghiệm, chụp CT, bệnh nhân được đưa vào phòng phẫu thuật.
 
Quyết không từ bỏ từng cm

Tiến sĩ Phạm Thi Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Thẩm mỹ, nhận được thông báo của Bệnh viện Đa khoa Điện Biên về ca lóc da đầu từ trước. Nhưng khi mở thùng bảo quản, bác sĩ Dung vẫn giật mình vì phần da đầu bị chia thành hai mảnh, mảnh bên trái đã bị nghiền nát. Các bác sĩ nhìn nhau, chưa biết làm gì vì mảnh da "nát quá". Sau đó, bác sĩ Dung trấn an đồng nghiệp “kiểu gì cũng phải nối để giữ mái tóc cho bệnh nhân”. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Thái Duy Quang - Khoa Phẫu thuật Tạo hình, Thẩm mỹ, phần da đầu mang tóc khó tái tạo nên các bác sĩ trân trọng từng cm. 

Các bác sĩ đã chia thành 3 kíp mổ. Hai kíp chuẩn bị phần da đầu, làm sạch phần đứt rời, tìm mạch máu trên da đầu. Một kíp tìm mạch nhận.

Chị B. quay trở lại thăm khám, dự kiến tóc sẽ mọc lại hết trong thời gian tới

 Sau 3 tiếng, mảnh da đầu tiên được nối. Mảnh ghép bên trái được nối qua động mạch, tĩnh mạch thái dương nông. Các bác sĩ gặp nhiều khó khăn do da bị cuốn nát, chia năm, xẻ bảy nên việc cấp máu khó khăn. 

Cuộc phẫu thuật kéo dài 6 - 7 tiếng và bệnh nhân được hồi sức 2 ngày bằng an thần, thở máy, truyền máu. Ngày thứ 7, mảng da đầu bên phải ổn, bên trái có một số điểm cấp máu kém hơn nên tổn thương lâu liền. Tóc ở một số vùng đã mọc trở lại.

Theo y văn thế giới, phẫu thuật nối mảnh da đầu không mới nhưng đa số các mảng liền mạch, gọn gàng nên nối dễ dàng hơn so với bệnh nhân B. Phần khó tiếp theo ở ca bệnh trên là thời gian thiếu máu kéo dài của mảnh da đầu đứt rời. Khả năng nối thất bại cao nếu da đầu thiếu máu trên 12 tiếng. Ở bệnh nhân B., khoảng thời gian này là 15 tiếng.

Bệnh nhân B. nằm điều trị ở bệnh viện trong 23 ngày do tổn thương nặng nề. Sau 2 tháng, da đầu của bệnh nhân phục hồi trên 90%, tóc đã mọc trở lại.

Tiến sĩ Dung cho biết, dự kiến, trong 6 tháng tới, bệnh nhân có thể làm thêm kỹ thuật đặt túi giãn da đầu để thay thế phần da mất tóc. 

PGS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu chị B. không được cấp cứu hiệu quả có thể nguy hiểm tới tính mạng vì sốc mất máu. Bệnh nhân nguy kịch nhưng các bác sĩ ở Điện Biên xử trí ban đầu tốt, kịp thời chuyển xuống Hà Nội. Qua so sánh với các ca lâm sàng trên thế giới, PGS Cơ cho biết trường hợp của chị B. là nặng nhất.