Cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh

Ông Phạm Công Danh bị TAND TP.HCM triệu tập đến phiên xét xử Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên cố vấn cấp cao Trustbank) về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Đang bị bệnh nặng, ông được ngồi trong phòng riêng để chăm sóc sức khỏe.

Khi tham gia phần xét hỏi liên quan đến quyền lợi của mình trong phiên tòa sáng 19/11/2019, ông bức xúc: "Toàn bộ tiền vào tay Hứa Thị Phấn là của tôi".

{keywords}
Cựu Chủ tịch VNCB Phạm Công Danh

Phạm Công Danh khẳng định đã tất toán khoản vay 3.658 tỉ đồng cho Hứa Thị Phấn, nhưng đến nay bị án chưa nhận được 114 bất động sản theo thỏa thuận chuyển giao nghĩa vụ giữa các bên.

Trước đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của VKS, tuyên y án 20 năm tù đối với Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại giai đoạn một của vụ án (thiệt hại 9.000 tỷ), ông Danh phải nhận 30 năm tù - mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn.

Cựu chủ tịch ngân hàng Đông Á hầu tòa

Ông Trần Phương Bình trong thời gian điều hành DAB với vai trò là tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT và chủ tịch Hội đồng tín dụng đã chỉ đạo nhân viên thực hiện nhiều thủ đoạn lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt hơn 2.000 tỉ đồng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại 1.500 tỉ đồng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tổng tài sản thực tế tại DAB vào thời điểm năm 2015 chỉ còn 47.011 tỉ đồng. Trong khi, ngân hàng lỗ lũy kế 31.076 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỉ đồng.

{keywords}
Ông Trần Phương Bình

Ông Bình và cấp dưới được xác định đã gây thiệt hại cho DAB gần 470 tỉ đồng chi lãi ngoài để huy động vốn; gần 385 tỷ đồng kinh doanh ngoại hối; hơn 611 tỷ đồng kinh doanh vàng tài khoản, hơn 53 tỷ đồng trong việc tất toán khoản với một khách hàng về khoản vay 1.900 lượng vàng.

Bên cạnh đó, ông Bình đã cấu kết với Vũ "nhôm" trong thương vụ để Vũ mua 60 triệu CP DAB với giá 600 tỷ đồng để Vũ "nhôm" trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Các cơ quan tố tụng xác định từ thương vụ này, Vũ "nhôm" đã chiếm đoạt 203 tỷ đồng của DAB.

Hứa Thị Phấn không đến tòa

TAND TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm vụ bà Hứa Thị Phấn cùng năm đồng phạm giai đoạn 2 gây thiệt hại 1.338 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TRUSTBank). Cũng như các phiên xử trước, bà Phấn tiếp tục vắng mặt tại tòa. Trong giai đoạn 1 của vụ án, bị cáo Phấn cũng không có mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.

Hồ sơ vụ án, các cơ quan tố tụng đến nay xác định từ ngày 6/3/2017, bà Phấn nhập viện tại BV đa khoa Tân Hưng, quận 7, TP.HCM trong tình trạng tăng huyết áp độ 3/4 và tiểu đường tuýp II.

{keywords}
Đại gia đầu bạc vướng vào lao lý 2019

Từ đó, CQĐT đã nhiều lần đến bệnh viện để tiến hành hỏi cung nhưng bị can khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời. Các luật sư bị can kiến nghị hoãn buổi hỏi cung cho đến khi sức khỏe bị can tốt hơn. Vì vậy, kể từ khi khởi tố đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chưa thể hỏi cung bị can Phấn về hành vi phạm tội...

Bị cáo Hứa Thị Phấn (cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín, cựu chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển Phú Mỹ) bị xét xử về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

'Đại gia bất động sản' 83 tuổi lĩnh án 20 năm tù

Ngày 16/10, TAND TP. Đà Nẵng đã mở phiên xét xử bị cáo Đặng Huy Biền, 83 tuổi, trú Phú Nhuận, TP.HCM về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”và “sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức”.

Ông Biền đưa thông tin gian dối là sở hữu 48 lô trong dự án trên và được cấp 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất chung của 48 lô làm cho các bị hại tin tưởng thực hiện các giao dịch mua bán, chuyển nhượng.

{keywords}
Bị cáo 83 tuổi vẫn hầu toà

Ông Biền sử dụng các tài liệu giả không rõ nguồn gốc gồm hợp đồng chuyển nhượng đất số 36 ngày 8/11/2011 ký giữa Huỳnh Thanh Hoàng và Đặng Huy Biền, các biên bản giao nhận tiền cọc thể hiện nội dung ông Biền nộp tiền đặt cọc mua các lô đất, 4 sổ đỏ đứng tên Đặng Huy Biền của các lô đất A8, A23, A24, A25 thuộc Khu Royal Era 1 đưa cho ông Lê Minh Hoàng, ông Hoàng Xuân Sáu để 2 người này tin giao tiền cọc rồi chiếm đoạt tổng cộng hơn 23 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Biền 17 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 3 năm tù về tội "sử dụng con dấu, tài liệu giả của các cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt là 20 năm tù.

Cựu Chủ tịch BIDV qua đời

Ông Trần Bắc Hà sinh năm 1956, quê ở Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Tính đến ngày 1/9/2016, ông Trần Bắc Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với BIDV 35 năm. Còn tính thời gian ngồi "ghế nóng" trên cương vị Chủ tịch BIDV, ông Hà có thời gian 8 năm, 8 tháng.

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

{keywords}
Ông Trần Bắc Hà 

Ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã chính thức tống đạt quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Ông Trần Bắc Hà cùng 3 thuộc cấp bị khởi tố và điều tra về những sai phạm liên quan đến việc cho dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh vay vốn gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Ông Hà tử vong sáng 18/7, sau hơn 7 tháng bị khởi tố, bắt tạm giam.

Bảo Anh