Sinh năm 1971, với những chiến công trong hơn 30 năm binh nghiệp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) là một trong những vị tướng trẻ giàu nghị lực và được tín nhiệm cao của quân đội. 

{keywords}

Thiếu tướng Lê Quang Đạo (khi đó mang quân hàm Đại tá) đại diện cho BĐBP 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang ký biên bản hội đàm lần thứ 6 với Tổng đội Công an Biên phòng Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc 

Ở tuổi 18 thanh xuân, tháng 3/1989, ông lên đường nhập ngũ. Sau hơn một năm là chiến sĩ của BĐBP tỉnh Hà Nam Ninh, Lê Quang Đạo tiếp tục dùi mài kinh sử ở Trường Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng).

Tháng 9/1993, chàng sĩ quan biên phòng trẻ tuổi đặt chân lên biên giới xứ Lạng, đánh dấu điểm khởi đầu cho quãng thời gian 27 năm liên tục công tác ở tuyến biên phòng Lạng Sơn. Khi đó ông là Đội trưởng Đội công tác biên phòng của đồn Thanh Lòa.

Mẫu hình người lính biên phòng

Thiếu tướng Lê Quang Đạo tâm sự: “Trong suy nghĩ của tôi ngày ấy, người lính biên phòng là hình mẫu. Họ hiên ngang trên lưng ngựa tuần tra, giỏi võ thuật, với rất nhiều chiến công ghi vào sử sách khi giữ đất biên cương, tiễu phỉ, bảo vệ lãnh tụ và các cơ quan đầu não. Đồng thời, họ đóng góp công sức lớn trên mặt trận đối ngoại và tận tâm giúp đỡ bà con các dân tộc trên biên giới”.

Đầu những năm 1990, sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên thí điểm thực hiện việc giao thương qua lại. Thuộc lớp cán bộ chỉ huy biên phòng trẻ đầu tiên thực thi nhiệm vụ trên biên giới xứ Lạng trong giai đoạn này, Lê Quang Đạo cùng đồng đội đã tham gia bóc gỡ, thanh loại nhiều đối tượng trà trộn ở cả hai phía nội biên và ngoại biên nhằm lợi dụng, kích động nhân dân gây mất ổn định biên giới, gây hại cho an ninh quốc gia.

Rời vị trí công tác ở đồn Thanh Lòa, Thiếu tướng Lê Quang Đạo có 5 năm đảm nhiệm vai trò Phó trạm trưởng Trạm Cốc Nam thuộc đồn Tân Thanh (1995-1999). Tại đây, Trung úy Đạo đã kiên quyết, mưu trí giữ vững được từng tấc đất biên cương và không để cho vị trí cột mốc chủ quyền trên địa bàn đơn vị phụ trách bị dịch chuyển, xâm lấn. Cùng với đó là việc đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với nhiều loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn bán tiền giả và mua bán người… 

Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Trên cương vị Phó đồn trưởng kiêm Trạm trưởng Trạm cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, rồi Đồn trưởng đồn Tân Thanh (2005-2011), ông để lại nhiều dấu ấn nổi bật trên dải đất biên cương xứ Lạng. Một trong số đó là việc ông đã tham mưu cho Ban chỉ huy Đồn và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm hoạt động tuần tra chung trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

{keywords}
Thiếu tướng Lê Quang Đạo (khi đó mang quân hàm Đại tá) đón đoàn công tác do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch QH) dẫn đầu về nước qua cửa khẩu Hữu Nghị

Giác quan nhạy bén và thực tiễn công việc mách bảo người lính ấy rằng, ngoài hoạt động hội đàm định kì và trao đổi thông tin thường xuyên, không có gì hiệu quả bằng việc tuần tra chung để có thể cùng nhau giải quyết mọi vấn đề xảy ra trên biên giới.

“Lúc mới đặt vấn đề này, phía Trung Quốc còn dè dặt, nhưng bằng những lí lẽ chân thành, chúng tôi đã thuyết phục được họ cùng hợp tác, với mục tiêu cao nhất là xây dựng đường biên giới chung hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển”, Tướng Đạo nhớ lại.

{keywords}
 Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng và Thiếu tướng Lê Quang Đạo tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), trong khuôn khổ chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6, sáng 24/4/2021

Hoạt động tuần tra chung đã thực sự phát huy hiệu quả trong quản lý, bảo vệ biên giới, góp phần tạo thêm niềm tin, sự gắn bó thấu hiểu giữa những người lính biên phòng hai nước.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo cũng là một trong những cán bộ có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy công tác đối ngoại biên phòng trên tuyến biên giới Lạng Sơn (Việt Nam) - Quảng Tây (Trung Quốc).

Điển hình như việc đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (BĐBP tỉnh Lạng Sơn) và Trạm kiểm soát biên phòng Hữu Nghị Quan (Tổng đội Công an Biên phòng Quảng Tây) trở thành cặp đơn vị đầu tiên kết nghĩa "Đồn - Trạm hữu nghị, biên giới bình yên" vào năm 2013. Tiếp đó là việc ra đời các mô hình kết nghĩa “Bản - Bản” giữa các địa phương của Lạng Sơn với các khu vực dân cư nước bạn… nhằm góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Xây thế trận lòng dân

Năm 2008, khi được điều chuyển về đồn Tân Thanh, Đồn trưởng Lê Quang Đạo đã cùng cán bộ, chiến sĩ lập thêm nhiều chiến công mới. Địa bàn đồn quản lý gồm 15km đường biên giới, trên địa bàn của 26 thôn bản, thuộc 2 xã Tân Thanh và Tân Mỹ là điểm nóng về an ninh trật tự.

Dưới sự chỉ huy quyết đoán, mưu trí của người Đồn trưởng, đồn Tân Thanh đã trở thành điểm sáng mẫu mực trong toàn tuyến biên giới Lạng Sơn - Quảng Tây. Đã có những cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, bị thương trong quá trình chiến đấu như Đại úy Ngô Văn Vinh, Đội trưởng Đội phòng chống ma túy và tội phạm…

{keywords}
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP kiểm tra, động viên cán bộ, chiến sĩ tại chốt chống dịch Covid-19 trên biên giới

Với phương châm “lấy dân làm gốc”, trong thời gian công tác ở Lạng Sơn, Tướng Đạo đã đề xuất, trực tiếp thực hiện rất nhiều mô hình, phong trào mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào nơi đây.

Từ ý tưởng của ông, nhiều thế hệ chiến sĩ nghĩa vụ biên phòng là con em đồng bào các dân tộc đã được kết nạp Đảng trước khi xuất ngũ, tạo điều kiện đi học nghề để sau này quay về phục vụ quê hương, tham gia bảo vệ biên giới. Và có rất nhiều thanh thiếu niên sa chân vào tệ nạn ma túy đã được BĐBP Lạng Sơn cảm hóa, giúp đỡ quay về nẻo thiện làm lại cuộc đời…

Trước khi có chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, tại Lạng Sơn, Tướng Đạo đã trực tiếp nhận đỡ đầu 3 thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng tiền lương của ông. Sau này, một trong ba thiếu niên ấy trở thành Trưởng công an xã Thanh Lòa (huyện Cao Lộc), hai người còn lại đã trưởng thành và đều có công ăn việc làm ổn định.

Chai nước gừng ấm tới từng chiến sĩ

Cuối tháng 2, đầu tháng 3/2019, cả thế giới hướng về Hà Nội - nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 cùng chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. 

{keywords}
Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn Lê Quang Đạo (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với lực lượng an ninh Triều Tiên tại cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng về các phương án bảo vệ Chủ tịch Kim Jong Un tới Việt Nam dự thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2
{keywords}
Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn Lê Quang Đạo bắt tay tiễn Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un về nước, tháng 3/2019

Ngày 2/3, tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống BĐBP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Trong những ngày qua, BĐBP đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn hội nghị. Hình ảnh người chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ tại ga biên giới Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, đón tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến Việt Nam bằng tàu hỏa đã để lại những ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế”.

Nhắc lại kỷ niệm này, Thiếu tướng Đạo cho biết lực lượng biên phòng Lạng Sơn chỉ có 48 tiếng đồng hồ làm công tác chuẩn bị cho lễ đón nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Khi đó, hầu như Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn Lê Quang Đạo đều thức trắng đêm chỉ huy cán bộ, chiến sĩ. Ông chia sẻ: “Tại khu vực ga Đồng Đăng, biên phòng nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh trên phạm vi gần 4km2 vùng lõi (vùng quan trọng nhất). Một nửa quân số của BĐBP Lạng Sơn với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tinh nhuệ, bản lĩnh nhất đã được lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này”.

Xác định nơi đoàn tàu của Chủ tịch Kim Jong Un đi qua và dừng chân trước khi lên đoàn xe di chuyển về Hà Nội có địa hình, địa vật khá phức tạp, ông đã chỉ huy quân của mình phối hợp với các lực lượng của quân đội, công an tổ chức rà phá bom mìn, vật cản kỹ lưỡng.

Thời tiết Lạng Sơn lúc đó rất lạnh, để giữ sức khỏe cho anh em làm nhiệm vụ, ngoài việc đảm bảo đồ ăn, thức uống, trang phục giữ ấm, Bộ Chỉ huy BĐBP Lạng Sơn còn chỉ đạo quân y, cấp dưỡng nấu nước gừng bằng chảo gang lớn. Đích thân Chỉ huy trưởng Lê Quang Đạo mang từng chai “doping” nước gừng ấm tới tận các tổ chốt cho cán bộ, chiến sĩ.

Sau đó, ông lặng lẽ đi bộ dọc theo đường tàu hỏa để quan sát địa hình, kịp thời khắc phục những sơ hở hay những vấn đề nhỏ như vệ sinh môi trường, cảnh quan…

“Tôi vinh dự là người lính biên phòng Việt Nam đầu tiên bắt tay chào đón Chủ tịch Kim Jong Un tới ga Đồng Đăng. Tôi đã nói khi ông lên tàu về nước là mong muốn được tiếp tục đón đồng chí quay trở lại thăm Việt Nam và sẽ đi qua con đường này, chính tôi sẽ là người bảo vệ đồng chí…”, Thiếu tướng Lê Quang Đạo tâm sự. 

Sơn Khang

Chuyện tướng biên phòng thông võ, thạo văn

Chuyện tướng biên phòng thông võ, thạo văn

Luyện rèn chuyên ngành trinh sát ở Trường Sĩ quan biên phòng từ năm 1983, con đường binh nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng có nhiều ngã rẽ thú vị.

Vì mùa xuân bình yên, dựng lũy thép kiểm soát chặt biên giới

Vì mùa xuân bình yên, dựng lũy thép kiểm soát chặt biên giới

Những ngày giáp Tết, các chiến sĩ quân hàm xanh dựng lũy thép, ngày đêm kiên cường bám trụ vì bình yên trên dải biên cương miền Trung.