Bệnh nhân là ông N.X.T, 66 tuổi, ở Quảng Ninh. "Cơn đau đầu dữ dội bất ngờ ập đến, tôi đã cố chịu đựng, uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ", ông chia sẻ với bác sĩ.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hôm 5/7 phát hiện ông T. chảy máu khoang dưới nhện do vỡ phình động mạch não thông trước, kích thước túi phình 5x6mm.
Thầy thuốc quyết định can thiệp nút mạch cầm máu khối phình bị vỡ nhằm ổn định tình trạng xuất huyết và tránh nguy cơ tái xuất huyết cho người bệnh. Kỹ thuật được sử dụng là nút coil. Theo đó, phẫu thuật viên luồn vi ống thông từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương, tiếp cận túi phình động mạch não thông trước và thực hiện nút bít túi phình bằng vòng xoắn kim loại (Coil) dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền 2 bình diện (DSA).
Kết quả chụp mạch kiểm tra thấy, túi phình bị vỡ đã được bít hoàn toàn, tuần hoàn động mạch não hồi phục trở lại.
Ngày 13/7, sau hơn 1 tuần điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, hồi phục sức khỏe tốt, đi lại được ngay sau can thiệp, không bị di chứng thần kinh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), phình động mạch não là bệnh lý hay gặp, khoảng 3-5% dân số mắc, nhưng phần lớn không cần điều trị vì nhỏ, không có triệu chứng và không được chẩn đoán. Bệnh này gặp nhiều ở nữ hơn nam, tuổi thường thấy nhất là 40-60.
Phình động mạch não rất hiếm khi vỡ, chỉ khoảng 0,25% người mang túi phình động mạch não sẽ vỡ, nên phần lớn bệnh nhân sống chung với khối phình mạch, chỉ điều trị khi có nhiều nguy cơ vỡ túi phình. Thông thường, nếu túi phình lớn hơn 5mm, nguy cơ vỡ cao, bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp.
Phình động mạch não nguy hiểm nếu vỡ hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh. Khi bị vỡ túi phình mạch, máu chảy tràn trong não, gây tổn thương, phù não, tụ máu. Từ đây làm gia tăng áp lực lên các mô xung quanh, chèn ép gây giãn não thất. Người bệnh có nhiều biểu hiện như: đau đầu dữ dội (chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều...
Xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch rất nguy hiểm, gây nhiều biến chứng, nguy cơ tàn phế và tỷ lệ tử vong cao.