- “Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng. Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được” – Tướng Đồng Sỹ Nguyên chia sẻ.

Anh Văn: Người duy nhất xứng phong nguyên soái

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người thức thời

“Vì lo cho dân”

{keywords}

Trước thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi, ôn lại kỷ niệm những tháng năm chinh chiến cũ, ông có cảm xúc gì?

- Nói là buồn thì cũng không hẳn. Nhưng đúng là rất cảm động và rất nhớ.

Đại tướng của chúng ta đã thọ đến 103 tuổi. Mất đi một con người như thế, không chỉ với tôi mà với toàn quân, toàn dân, với mỗi người chúng ta ngồi đây cũng đều đau lòng.

 Từ lúc nghe tin Đại tướng từ trần đến giờ tôi không ngủ được.

Được biết Đại tướng trong thời gian đã nghỉ dưỡng bệnh cũng còn không ít lo lắng, ngổn ngang về việc nước trong lòng. Ông có được Đại tướng chia sẻ gì không?

-Đương nhiên với những việc lớn của đất nước, Đại tướng đều có tham gia, có nêu ý kiến mặt này mặt khác. Có vấn đề được tiếp thu, có chuyện chưa tiếp thu vì tình hình phát triển đất nước mỗi thời kỳ có điểm riêng của nó.

Đại tướng nắm những vấn đề lớn. Do đó, những lo ngại của Đại tướng như về bauxite là hiện thực vì nhiều nước đi trước đã vấp. Là người học rộng, hiểu biết nhiều, ông lên tiếng vì lo cho dân thôi chứ không phải vì mục đích gì khác.

Ông gặp Đại tướng lần cuối cùng là khi nào?

- Tháng nào tôi cũng vào thăm Đại tướng. Cách đây 5-6 tháng vào ông vẫn cười, nghe chuyện, gật đầu nhưng không nói được. Một năm trước thì còn nói được khe khẽ. Nhưng đến hơn ba tháng vừa qua thì Đại tướng yếu đi nhiều.

Ngoài tài thao lược quân sự, những phẩm chất nào trong cuộc sống hàng ngày của Đại tướng làm ông nhớ nhất?

-Trong đời thường, Đại tướng cũng ở một căn nhà đơn giản như nhà tôi ở đây thôi. Ông sinh hoạt hết sức đơn giản.

Và tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều: từ khi làm Tổng Tư lệnh quân đội đến nay, Đại tướng chưa bao giờ to tiếng với một ai cả, kể cả khi cấp dưới làm sai.

Có sai thì ông cũng mời vào ngồi nói chuyện mà thông thường thì bao giờ cũng khêu gợi lại những mặt tốt, ưu điểm của anh ta trước nay sau đó mới nhắc chuyện cần chú ý thêm phần này phần kia chứ không phải gọi vào để quở mắng. Tôi thấy đây là một điểm hiếm có!

Như những điều ông vừa trao đổi, rõ ràng hình ảnh hiện lên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải thu phục mọi người bằng sự oai nghiêm như của một vị tướng ‘thét ra lửa’ mà ông thuyết phục tất cả bằng một tư chất rất riêng?

-Đại tướng thu phục bằng tình cảm, hòa đồng nhưng không phải là nói với ông những chuyện sai mà được đâu, phải đúng thì ông mới tán thành.

Khi cấp dưới nói sai, ông chỉnh lại ngay theo một kiểu rất văn hóa mà vẫn thuyết phục. Quân tướng cấp dưới đều rất phục vì ông không chỉ có tài thao lược mà có cả tài ngoại giao, ứng xử gì cũng rất từ tốn, nhẹ nhàng.

Có câu chuyện nào về cách đối nhân xử thế của Đại tướng với cấp dưới mà ông còn nhớ?

Tôi còn nhớ chuyện có một tướng cấp dưới phải thi hành kỷ luật, lên báo cáo, ông nói: kỷ luật phải thi hành nhưng cũng phải làm rõ đầu đuôi.

Ông nói thêm: việc kỷ luật cũng chỉ là nhắc nhở còn chính người phạm luật mà sửa được thì sau này mới là người giỏi nhất.

Nhiều sáng tạo thế giới chưa từng có

{keywords}

Trong lĩnh vực quân sự, ông ấn tượng nhất ở tướng Giáp điểm gì?

- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống hai đế quốc lớn nhất thế giới, giành thắng lợi.

Người tiếp thu quan điểm chỉ đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị về cuộc chiến chống Pháp một cách sâu sắc, nhạy bén nhất và cũng đầy sáng tạo, đưa cuộc kháng chiến đến chiến thắng.

Chiến thuật rút quân từ Thủ đô ra bên ngoài; tổ chức lực lượng ba thứ quân chủ lực – địa phương – dân quân tự vệ (một hình thức tổ chức vũ trang) theo quan điểm của tôi là cao nhất, tuyệt vời nhất trong nghệ thuật quân sự. Những nước đánh ta không nước nào làm được việc đó.

Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp có nhiều sáng tạo chưa từng có trên thế giới khi tổ chức từng chiến dịch, mỗi lúc một lớn hơn, sau đó phát triển thêm lực lượng cả thế và lực.

Qua mỗi chiến dịch đều có một bước phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, để rồi đến trận chiến quyết định Điện Biên Phủ. Ông đã suy nghĩ một cách cặn kẽ, lấy chắc thắng làm yếu tố quyết định.

Đại tướng của ta khác biệt chính là vì thế! Một trí thức xuất thân từ nhân dân mà ra, ông trân trọng từng giọt máu của nhân dân, chiến sỹ, và đã thắng lợi lẫy lừng, kết thúc luôn cuộc chiến tranh giữa ta và Pháp.

Với chiến lược ở tầm tư duy của một nhà lãnh đạo thiên tài, Đại tướng có tác động gì trong việc sau này bộ đội Trường Sơn mở con đường 559 không thưa ông?

-Cuộc kháng chiến ở Miền Nam có lợi thế là có Miền Bắc đã giải phóng, có thể tăng cường cho Miền Nam để giải quyết cuộc chiến nhanh hơn. Bộ Chính trị đã chỉ đạo Đại tướng tổ chức việc chi viện cho Miền Nam. Con đường Hồ Chí Minh hình thành cho mục đích đó.

Thời kỳ đầu, việc này gặp rất nhiều khó khăn. Bộ đội đói không có gạo.

Có cuộc họp của Bộ Tổng Tư lệnh bàn việc vận chuyển cơ giới không được, liệu có nên chuyển sang gùi thồ như ngày xưa không. Có nhiều ý kiến nói ‘Mỹ đánh thế, phải gùi thồ’ nhưng cũng có ý kiến khác vẫn kiên quyết lấy vận tải cơ giới là chính, kết hợp gùi thồ, trong đó có ý kiến của các ông Phan Trọng Tuệ, Đinh Đức Thiện.

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã kết luận theo ý kiến ấy, và đó là kết luận sáng suốt.

Khi đó, tôi đang chỉ huy ở mặt trận Trung – Hạ Lào, bị thương về điều trị xong thì được Đại tướng phái vào khu vực này để thực hiện ý tưởng ấy.

Khi đó có nhiều vấn đề khó khăn, không đơn giản vì cả tuyến vận tải phải làm. Tôi để thời gian 10 ngày đi tìm hiểu thì thấy nếu cứ để kiểu này thì không thể đi được vì tư tưởng chỉ đạo là lấy phòng tránh làm chính, ra khỏi nhà là gốc bụi.

Tôi bảo như này thì sao đánh được địch. Vậy nên vào ngồi trên xe vận tải qua trọng điểm anh em bảo thủ trưởng nên dừng vì nguy hiểm lắm. Tôi quyết đi để biết tình hình.

Vào vùng trọng điểm thì máy bay đến, xe rúc gốc bụi, lái xe nói là ló lên là địch đánh ngay.

Nhưng nếu chỉ có bộ đội lái xe đi mà không có pháo và bộ binh đi kèm thì sao đi nổi. Khi đó tôi đã đề nghị chuyển việc lấy phòng tránh là chính sang chủ động phản công, từ đó mới giải quyết được.

Mùa đầu tiên thay đổi, kế hoạch vận tải đạt 120%. Tổng Tư lệnh đã điện biểu dương tôi và yêu cầu tổng kết.

Vậy còn kỷ niệm đặc biệt nào với Đại tướng mà ông nhớ nhất?

-Qua hai cuộc chiến, tôi vẫn tâm đắc là việc thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ấn tượng khi đó vì mọi chuyện đã chuẩn bị đâu vào đó rồi, pháo kéo vào trận địa rồi, bộ binh áp sát rồi mà lại kéo ra. Đó phải nói là một việc vô cùng dũng cảm, thực sự tin tưởng vào quần chúng thì mới làm được.

Thứ 2 là chiến dịch Hoàng Hoa Thám (đường 18) sau khi đánh từ Phà Lài xuống Uông Bí thì gặp lực lượng phòng thủ rất mạnh của địch. Các sư đoàn định tấn công nhưng sau khi nghe tình hình Tổng Tư lệnh đã lệnh rút vì nếu cứ cố tấn công tổn thất có thể rất nặng.

Lại một lần nữa quan điểm vì quần chúng, vì nhân dân, vì bộ đội, vì xương máu anh em chứ không phải vì thắng lợi để lấy thành tích, tiếng vang.

Với tôi, đó cũng là một bài học mà Đại tướng đã chỉ dạy để rút kinh nghiệm sâu sắc cho bản thân.

•    Thảo Nguyên

Tướng Giáp: Huyền thoại đã ra đi

Anh Văn, người duy nhất xứng phong nguyên soái

"Đồng chí Phạm Văn Đồng nói: Anh Văn có uy tín và ảnh hưởng rất lớn trong nhân dân ta, được kính trọng và yêu quý. Đấy là người chỉ huy quân sự duy nhấ́t của nước ta xứng đáng được phong là nguyên soái", nhà thơ Việt Phương nhớ lại.  

Tướng Giáp, Tướng McNamara và "bảo hiểm quốc gia"

Có môi trường nhằm tạo ra những thiên tài “tướng Giáp” để đương đầu với “McNamara” trong thời đại với biên giới quốc gia trở nên mong manh hơn bao giờ hết, là chìa khóa để đưa đất nước đi lên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người thức thời

Không chỉ là thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một con người hết sức thức thời… 

Tướng Giáp qua hồi ức đạo diễn Nhật nổi tiếng

"Trái với những lo ngại, khi câu hỏi đầu tiên được đặt ra, mắt Tướng Giáp bỗng sáng lên. Ông nói rất dõng dạc, khúc chiết. Ông nhớ từng chi tiết, không cần giấy tờ gì cả". 

Dòng người đổ về nhà Đại tướng

Tối 5/10, rất đông người dân đã tập trung trước cửa nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam