Tìm mua giày trên mạng, chị Trần Hồng Hạnh (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thấy quảng cáo order (đặt hàng) giày của thương hiệu Gu.cci giảm giá tới 80%, chỉ còn gần 1 triệu đồng. Đinh ninh là giày hàng hiệu của chính hãng đang giảm cuối mùa, với mức giá rất hời, nên không ngần ngại, chị đặt mua hàng ngay.
Háo hức chờ đợi đến ngày nhận hàng, chị Hạnh không tránh khỏi thất vọng. Đôi giày được làm rất cẩu thả. Thậm chí, đôi giày như chị đặt hàng chỉ có giá hơn 100.000 đồng, được bán tràn lan trên vỉa hè và các xe đẩy bán giày dép. Liên hệ với người bán, chị nhận được lời giải thích: Shop không bán giày của thương hiệu Gucci như khách hàng suy nghĩ, mà là giày mang nhãn hiệu Gu.cci. Đây là một trong những tình cảnh không ít người tiêu dùng gặp phải khi mua sắm trên các trang thương mại điện tử.
Bùng nổ các chiêu trò câu khách
Hiện nay, nhu cầu mua sắm online của người tiêu dùng, đặc biệt là chị em phụ nữ ngày càng tăng. Các thương hiệu, sản phẩm lên chợ online cũng không ngừng gia tăng. Để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng, không ít chiêu trò đã được các shop, người bán hàng tung ra. Trong đó có không ít những chiêu lừa để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nếu không tinh ý, người tiêu dùng rất dễ mắc phải những chiếc bẫy hàng hóa "xịn" được bán với giá vỉa hè trên các sàn thương mại, trang bán hàng online.
Trường hợp mua phải hàng nhái theo tên của các thương hiệu lớn như chị Hồng Hạnh không hiếm gặp. Có trường hợp khác, người bán chào bán túi xách Dio (để người mua lầm tưởng với thương hiệu Dior), son môi MARC (để người mua nhầm tưởng là của thương hiệu MAC)... So với giá chính hãng, sản phẩm nhái có giá rẻ hơn. Song hầu hết đây đều là những sản phẩm kém chất lượng.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết, nhiều hãng phản ánh các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước hiện không kiểm soát được việc người bán hàng đưa hàng lên, trà trộn bán sản phẩm giả rất nhiều.
Không chỉ xuất hiện hàng hóa giả, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, hình thức đánh giá, nhận xét (review) sản phẩm ảo cũng gây hoang mang cho nhiều người khi mua sắm. Đánh giá, chấm sao là tính năng được hầu hết các sàn thương mại điện tử lớn, nhỏ đều thực hiện, với mục đích để người tiêu dùng nhận xét, khen chê về sản phẩm, dịch vụ, người bán hàng… Người mua sau thường nhìn vào nhận xét của các khách hàng trước để quyết định nên hay không nên mua sản phẩm, dịch vụ đó.
"Xem cửa hàng có nhiều lượt tương tác, like, phản hồi, bình luận hay không rồi mới mua hàng là thói quen của mình. Nhưng gần đây, mình đã hai lần mua phải hàng kém chất lượng trên sàn thương mại điện tử, dù mặt hàng đó được đánh giá 5 sao và nhận được nhiều phản hồi tốt", chị Phạm Quỳnh (Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ.
Theo quy định, để có thể đánh giá sao hay bình luận về sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, người mua phải chốt một đơn hàng và được giao thành công. Với các chủ shop hàng, nhận xét, đánh giá của khách hàng là thước đo uy tín của người bán, chất lượng của sản phẩm. Nhưng hiện nay, để có được những nhận xét tốt, hay nhiều lượt tương tác, lượt mua hàng không khó.
Chị Nguyễn Thị Hằng (chủ shop thực phẩm ở đường Đỗ Đức Dục, Hà Nội) cho biết, chị cũng luôn nhận được lời chào mời sử dịch vụ tăng lượt theo dõi, tăng like, tăng tương tác trên mạng xã hội… với giá từ 40 đồng/view; từ 400 đồng/lượt theo dõi; 250 đồng/like; 4.000 đồng/đánh giá 5 sao… Với mức giá rẻ như vậy, không ít shop, gian hàng sẵn sàng chi tiền để có thể được nhiều sao, nhiều lượt thích, nhiều bình luận mua hàng ảo. Và tất nhiên, với những khách hàng lựa chọn cách nhìn vào đánh giá, bình luận để mua hàng, thì họ dễ rơi vào bẫy "khen ảo" do chính các shop thuê, để thuyết phục chú ý của người mua.
Bí quyết "né" bẫy khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử
Thông tin từ Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) công bố mới đây cho thấy, trong năm 2019, đơn vị này đã tiếp nhận và giải quyết 568 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Phần lớn các vụ việc liên quan đến giao dịch mua sắm trực tuyến.
Để mua sắm an toàn và hiệu quả với nền tảng thương mại điện tử, trước khi quyết định mua hàng, người tiêu dùng cần tìm hiểu, tham khảo kỹ các thông tin. Nên xem thật kỹ thông tin sản phẩm từ chất liệu, kiểu dáng, kích cỡ đến màu sắc, giá bán sản phẩm. Nếu sản phẩm có giá bán thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, bạn nên cân nhắc trước khi mua sản phẩm.
Thông thường, các sàn thương mại điện tử thường có hệ thống gian hàng chính hãng hoặc trang bán hàng chính chủ của các thương hiệu, bạn nên mua sắm tại những địa chỉ này để mua hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ các điều kiện bảo hành, cam kết chất lượng của nhà cung cấp.
Theo Phụ nữ Việt Nam