Chị N. cũng không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, chủ quan nghĩ rằng mình còn trẻ, không thể mắc ung thư.

Gần đây, chị đau bụng vùng hạ vị nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, có máu. Chị cũng bị sút cân, người mệt mỏi không rõ nguyên do, đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) khám.

Bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm, chụp chiếu cận lâm sàng. Kết quả cho thấy người phụ nữ 30 tuổi bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, di căn phổi. 

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch vùng, lập lại lưu thông tiêu hóa. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, tiếp tục điều trị hóa chất bổ trợ, được chăm sóc tại Khoa Ung bướu.

Ung thư đại tràng là bệnh ung thư thường gặp sau ung thư phổi, dạ dày và gan. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90%. Nhiều người đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Dấu hiệu ung thư đại trực tràng

TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn.  

Chán ăn, khó tiêu, đầy chướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân. Người mắc ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Khi có dấu hiệu đau quặn bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài... rất có thể đó là dấu hiệu ung thư đại tràng.

Ngoài ra, giảm cân bất thường mà không phải do tập luyện hay ăn kiêng giảm cân thì rất có thể đó là dấu hiệu của ung thư, nhất là ung thư đại tràng, dạ dày hoặc các bộ phận khác liên quan đến đường tiêu hóa.

Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, kéo dài. Nếu phân có kích thước mỏng như lá lúa do phải đi qua khối u thì cần đề cao cảnh giác. Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt cũng là dấu hiệu đáng lo ngại. Ngoài các triệu chứng nêu trên, khi ung thư ở giai đoạn muộn, có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng, vàng da, bụng to dần…

Ung thư đại tràng thường bắt đầu lành tính (gọi là polyp). Polyp không phải là ung thư nhưng có thể phát triển thành ung thư sau một thời gian dài. Kiểm tra đại trực tràng thường xuyên là một trong những cách tốt nhất để phòng tránh ung thư.