LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam. 

Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi. 

Trước hết, tôi rất hoan nghênh các tuyến bài trên Diễn đàn này, đặc biệt là của các tác giả Hải Lộc và Nguyễn Đình Cung về thực trạng của nền kinh tế hiện nay cũng như nhu cầu bức bối để phát triển. Nếu không nhìn nhận đúng thực trạng tụt hậu của đất nước thì chúng ta sẽ khó vươn lên.

Tình trạng tụt hậu là rõ ràng

Nếu nhìn lại cả quá trình phát triển dài hạn từ sau Đổi mới đến nay, chúng ta đã bị tụt hậu và tụt hậu xa hơn trên một số lĩnh vực quan trọng khi tình hình thế giới biến chuyển nhanh.

Cách đây hơn 30 năm, khi phát động Đổi mới và mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì GDP đầu người của thế giới đã hơn 4.000 USD.

Đến nay, khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng lên 2.500 USD thì GDP bình quân đầu người của thế giới đã vượt 10.000 USD.

Phải ghi nhận rằng, tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, trong đó, có năm GDP thấp nhất 4,8% và có năm GDP cao nhất 9,5%. Chúng ta đã có mức tăng trưởng cao và khá ổn định.

Tuy nhiên, những số liệu GDP ở trên cho thấy một thực tế, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một doãng ra với tốc độ rất nhanh so với GDP của Việt Nam. Cách đây 30 năm, GDP của thế giới hơn của Việt Nam 3.900 USD, nhưng nay đã vọt lên hơn 7.500 USD, gần gấp đôi.

{keywords}
Chúng ta có dám nhìn nhận để vươn lên khi tình trạng tụt hậu đã rõ ràng?

Tôi không phủ nhận về nguyên lý, khi tính theo số tương đối, tăng trưởng của Việt Nam cao hơn trong thời gian dài so với một quốc gia nào đó thì sẽ hội tụ về kinh tế trong tương lai.

Song tôi muốn cảnh báo tình trạng Việt Nam đã tụt hậu vòng 1 khi tính GDP bình thường và tất cả các phân tích đều so sánh theo giá hiện hành.  Dù Việt Nam bước nhiều bước, tốc độ nhanh nhưng lại bước ngắn nên bị bỏ lại so với các quốc gia khác bước chậm nhưng bước dài.

Các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore chứ chưa nói đến Mỹ và EU họ bước bước ngắn nhưng rất dài nên đã vượt rất xa so với Việt Nam bước nhanh nhưng ngắn. So với thế giới, chúng ta đang đối diện với tình trạng ngày càng tụt hậu.

Vấn đề là đến nay chúng ta tiếp tục tụt hậu vòng 2, tức tụt hậu ngay cả với những nước nhỏ bên cạnh mình như Lào. Theo số liệu World Bank 2017, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã thua cả Lào, quốc gia đã đầu tư và tiếp nhận đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, theo WEF năm 2018, Việt Nam xếp hạng cạnh tranh quốc tế về 4.0 tăng 1 điểm nhưng lại tụt 3 hạng, tức là trong cuộc đua này thì chúng ta có tiến lên nhưng các quốc gia khác tiến nhanh hơn.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển con người HDI, chỉ tiêu kinh tế tri thức KEI vẫn đứng thức dưới 100, thậm chí nhiều chỉ tiêu khác thấp hơn. Chỉ số năng lực cạnh tranh nền kinh tế GCI cũng đứng thứ 90. Việt Nam đang đối diện nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp khó thoát ra được.

Chất lượng tăng trưởng thấp

Trong suốt hơn ba thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế khá mạnh mẽ, nhưng chất lượng thấp. Từ một nước chủ yếu là nông nghiệp, với GDP nông nghiệp chiếm 40-50% sau thống nhất, đến nay trên 80%GDP được sản xuất trong công nghiệp và dịch vụ. Từ đại bộ phận lao động làm nông nghiệp, đến nay đã có hơn nửa lực lượng lao động đã làm trong các ngành nghề phi nông nghiệp.

Chúng ta đã từ một nền kinh tế chủ yếu đơn sở hữu trước Đổi mới, nay khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nước ngoài đã đóng góp trên 2/3 GDP.

Chỉ sô TFP cũng giảm nhanh từ 50% năm 1990 xuống dưới 30% đầu năm 2000 và nay là dưới 20%, thậm chí có mấy năm dưới 10% vì ban đầu TFP tăng do chúng ta đơn giản là “cởi trói” cho người dân và doanh nghiệp, nhưng đến gần đây, khi cần đi vào năng suất lao động, chuyển giao công nghệ và quản trị thì không theo kịp. Bên cạnh đó, năng suất lao động của chúng ta rất thấp vì cơ cấu lao động ở nông thôn còn rất đông.

Bên cạnh đó, chúng ta là quốc gia mở cửa thị trường mạnh hàng đầu thế giới, khoảng hơn 200% GDP nhưng người hưởng lợi lại đa số là doanh nghiệp FDI vì họ chiếm tới hơn 70% giá trị xuất khẩu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được lợi thế của mở cửa như doanh nghiệp FDI, không tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói một cách tổng quát, những con số sơ bộ trên chứng minh một nghịch lý rất lớn, Việt Nam đã tăng trưởng khá cao nhưng chất lượng tăng trưởng ngày càng có vấn đề, các cơ cấu của nền kinh tế vẫn còn rất lạc hậu và lệch lạc. Mô hình tăng trưởng của chúng ta lệ thuộc vào nhập nguyên liệu, hay mô hình tăng trưởng “xuất khẩu thuê, gia công hộ”, với giá trị gia tăng thấp chỉ 10-20%.

Chọn con đường riêng

Theo tôi, dù đã cải cách và mở cửa hơn 3 thập kỷ, khoảng thời gian để các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc,… phát triển lên thế giới thứ nhất, Việt Nam vẫn đang đối diện với tình trạng lạc hậu và tụt hậu so với các quốc gia ngay trong khu vực chứ chưa nói đến các quốc gia phát triển.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân – khu vực năng động nhất, mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng ở các quốc gia khác – vẫn không lớn mạnh ở Việt Nam. Dù đã được coi là một "động lực quan trọng" khu vực kinh tế này vẫn bị phân biệt đối xử, bị chèn ép đến từ trong văn bản đến thực tế cuộc sống.

Có lẽ, lý do cơ bản của tình trạng này bắt nguồn từ tư duy phát triển, chọn sai mô hình phát triển, thậm chí mô hình đó lạc điệu so thế giới. Trong bối cảnh thế giới hội nhập mà ta vẫn tìm con đường riêng!

Chúng ta có xuất phát điểm thấp, có các điều kiện tiền đề rất thấp, gần như chưa có tích lũy nội bộ; đã thế, chúng ta cũng không có nội lực, năng lực để hấp thu một cách hiệu quả trợ giúp quốc tế. 

Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng vốn đầu tư không hiệu quả do chọn sai con đường công nghiệp hóa; do DNNN quá nặng nề, kém hiệu quả; do kỳ thị khu vực tư nhân trong nước, khi ưu đãi FDI “vô lối”; để cuối cùng sa vào con đường lệ thuộc nhập khẩu để xuất khẩu bằng doanh nghiệp FDI không mong muốn khi FDI chiếm 70% giá trị sản xuất công nghiệp và 70% giá trị xuất khẩu. 

Hơn nữa, bộ máy quá cồng kềnh, chi tiêu cho bộ máy vượt năng lực tài chính trong khi cần khoan sức dân. Rốt cuộc, nội lực của toàn nền kinh tế vẫn yếu kém, không thích ứng với hội nhập thế hệ mới vì chưa muốn chuyển đổi thực sự, kể cả ngoài kinh tế.

Trong thời gian tới đây, muốn thoát khỏi tình trạng này thì cần các giải pháp không thể chắp vá. Chúng ta cần thực hiện kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập. Chúng ta cần tôn trọng các quy luật khách quan. Cần xây dựng nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và có trách nhiệm giải trình, chống nạn tham nhũng, nhũng nhiễu và thiếu hiệu lực của bộ máy.

Chúng ta phải quyết tâm đề cao vai trò của khu vực tư nhân, phải phát triển tối đa kinh tế tư nhân mà đây chính là con em bạn bè mình, gia đình mình, xã hội mình chứ ai! Nếu còn lừng khừng chỗ này thì còn lấn cấn không phát triển được.

Cần xây dựng xã hội công bằng, phát triển hài hòa với vai trò ngày càng tăng lên của xã hội công dân và tầng lớp trung lưu qua thực hiện dân chủ rộng rãi, kể cả dân chủ trực tiếp.

Từ đó, Việt Nam mới có thể “bắt kịp” Malaysia hiện nay vào năm 2035, hay xa hơn là đạt tới khát vọng phát triển vươn lên cùng thời đại, thậm chí thể tiến xa như một số nước OECD vào giữa thế kỳ XXI.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Thái

Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn