Go-Viet thu chiết khấu tài xế vào thời điểm sát Tết |
Từ khi tuyên bố ra mắt tại thị trường Việt Nam, Go-Viet được xem là một đối thủ xứng tầm nhất với Grab khi được hậu thuẫn bởi Go-Jek, đối thủ mạnh của Grab tại thị trường khu vực. Go-Viet cũng tiếp tục cùng Grab tạo nên một cuộc chiến khốc liệt ở thị trường gọi xe khi liên tục chạy đua đốt tiền để khuyến mại cho khách hàng và thưởng chuyến để thu hút tài xế với hàng loạt chuyến đi đồng giá. Ứng dụng này cũng đã thu hút một lượng lớn tài xế và khách hàng của đối thủ.
Sau 6 tháng vào Việt Nam, Go-Viet đã liên tục có những động thái điều chỉnh chính sách với tài xế. Từ 21/1, Go-Viet bất ngờ tuyên bố thu phí dịch vụ ở mức 20% tính trên cước phí mà đối tác tài xế nhận được cho mỗi đơn hàng thành công. Mức phí dịch vụ này áp dụng cho cả 3 dịch vụ hiện có của Go-Viet là Go-Bike, Go-Send và Go-Food ở cả Hà Nội và TP.HCM. Đối với các tài xế đăng ký trước ngày 10/8/2018 tại TPHCM, sẽ giữ nguyên chính sách ban đầu cho đến hết 31/1/2019.
Cũng từ ngày 21/1, Go-Viet cũng điều chỉnh chương trình điểm thưởng và hiệu suất hoàn thành đơn hàng. Theo đó, mức hiệu suất tối thiểu mỗi ngày mà tài xế phải đạt được để nhận thưởng sẽ là 70%, thay vì 60% như trước đây (hiệu suất là phần trăm số lượng đơn hàng thực hiện thành công trên số lượng đơn hàng yêu cầu được gửi vào ứng dụng). Thông tin này áp dụng cho cả Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, điểm thưởng cũng sẽ tăng lên (có nghĩa là số tiền thưởng mà tài xế được hưởng sẽ giảm xuống).
Trước động thái của Go-Viet, ở một số hội nhóm trên mạng xã hội nhiều tài xế Go-Viet tỏ ra lo lắng thậm chí chán nản. Nhiều tài xế thì với mức thu phí (chiết khấu) khoảng 20% thì chiết khấu này tương đương với mức Grab đang thu với tài xế GrabBike. Mặc dù Go-Viet cho hoàn lại 10% nhưng rõ ràng đây chỉ là chính sách tạm thời. Đồng thời, chính sách tính phí này rất phức tạp và tài xế không thể theo dõi được nguồn thu nhập của mình.
Một số tài xế cho rằng, Go-Viet đã công bố thu chiết khấu và giảm tiền thưởng vào một thời điểm khá nhạy cảm khi dịp Tết Nguyên Đán đang đến gần. Thêm đó, cùng với mức thu phí này thì doanh thu tài xế Go-Viet sẽ rất thấp khi Go-Viet không hề tăng phí dịch vụ đối với khách hàng đồng thời cũng không hỗ trợ chính sách đảm bảo số tiền của mỗi cuốc xe tối thiểu cho các đối tác của mình.
Trong khi đó thì tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các dịch vụ xe ôm, giao hàng và giao đồ ăn đang triển khai, Go-Viet vẫn còn đang gặp khó khi triển khai Go-Car và Go-Pay.
Theo tuyên bố của Go-Viet khi mới ra mắt, dự kiến ứng dụng này sẽ ra dịch vụ gọi xe 4 bánh Go-Car trong năm 2018. Tuy nhiên, vấn đề giấy phép của Go-Viet lại đang bị bỏ ngỏ. Đề án thí điểm vận tải hành khách bằng hợp đồng điện tử (Đề án 24) đã kết thúc sau 2 năm. Mặc dù Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị đinh 86. Tuy nhiên, các doanh nghiệp muốn tham gia vào đề án này cũng phải đợi đến khi có Nghị định mới với các điều kiện hoạt động bị siết chặt hơn.
Đồng thời, việc mở rộng hoạt động dịch vụ của Go-Viet cũng có thể gặp khó khi nhiều địa phương hiện nay đang hạn chế hoạt động của các hãng taxi công nghệ khi không thể quản lý được các phương tiện do sự phát triển nhanh.
Trong khi đó đối với dịch vụ thanh toán điện tử Go-Pay, để được phép hoạt động, Go-Viet cần có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước hoặc hợp tác với doanh nghiệp đã được cấp phép như cách mà Grab đã thực hiện khi bắt tay với Moca.