- Việt Nam cần thay đổi cơ chế trọng dụng nhân tài hiệu quả, thật sự đưa những người có năng lực vào bộ máy để họ cống hiến cho xã hội – một độc giả chia sẻ với Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”.

Tuần Việt Nam mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.

Sau khi đăng tải một số bài viết đầu tiên, chúng tôi đã nhận được nhiều bình luận, ý kiến gửi về email Tuanvietnam@vietnamnet.vn.

Dưới đây là bài lược trích một số ý kiến trong số đó, mời độc giả cùng đọc và thảo luận.

Trọng dụng nhân tài

Độc giả Mai Phương góp ý đến Diễn đàn về bài học trọng dụng nhân tài của các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Bạn Mai Phương gửi góp ý sau những kinh nghiệm có được sau 13 tháng học tập tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, và có nhiều cơ hội thảo luận về sự hùng cường nhiều quốc gia cũng như sự yếu kém của các quốc gia khác.

Bạn đặt câu hỏi, điều gì đã khiến Singapore lột xác ấn tượng với việc họ có thể thay đổi thu nhập của người dân chỉ trong vòng một thế hệ, đưa mức thu nhập bình quân đầu người từ 427 đô la Mỹ năm 1960 lên khoảng 58.000 đô la Mỹ, gấp 136 lần vào năm 2017?

Một trong những yếu tố then chốt cho sự phát triển của Singapore đó là cơ chế đãi ngộ nhân tài ngay từ những ngày đầu tiên của chính quyền Singapore dưới lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.

Singapore ưu tiên các cá nhân dựa trên những tiêu chuẩn về thành tích học tập, khả năng nhận thức, tâm lý và xã hội, sự tự tin, danh tiếng và thực tế làm việc. Bên cạnh đó, họ tuyển dụng tường minh, gắn liền với chế độ lương thưởng thỏa đáng. Để xóa bỏ tham nhũng, phải khiến cho con người không có động cơ nghĩ đến việc đó. Các công chức của Singapore được trả lương rất cao, đặc biệt các quan chức cao cấp đều có thu nhập trên 1 triệu USD/năm, đồng thời, nếu phát hiện có trường hợp nào tham nhũng sẽ bị sa thải ra khỏi hệ thống ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Singapore thu hút tới hơn 25% lao động là người nước ngoài dựa trên năng lực mà không phân biệt chủng tộc hay quốc tịch của họ.

{keywords}
Lòng tự tôn dân tộc cần được rèn rũa và nâng cao

Xây lòng tự tôn dân tộc

Độc giả Nguyễn Đình Tuấn cũng đã gửi ý kiến góp ý đến Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” phân tích Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đều là những quốc gia có điểm chung là xuất phát điểm thấp, là nước nghèo bị tàn phá sau chiến tranh nhưng với lòng quyết tâm tột bậc, cải cách triệt để thì chỉ trong 20-30 năm họ đã vươn lên thành cường quốc.

Trong thời gian đó, ngành giáo dục của họ rất được chú trọng và thay đổi mạnh mẽ. Ngành giáo dục của các nước này đưa ra môn Đức Dục học chú tâm vào rèn luyện nhân cách cho học sinh từ nhỏ, từ đó hình thành các thói quen tốt: không vứt rác- giữ gìn vệ sinh công cộng, có lòng tự trọng, lòng tự tôn dân tộc.

Lòng tự tôn dân tộc sẽ là một yếu tố quan trọng giúp hạn chế nhập siêu, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ: người Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore ưu tiên sử dụng hàng của nước họ, có thể nói gần như là cuồng tín. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ văn minh thì khách du lịch quốc tế mới quay trở lại, mới thu được tiền từ họ.

Có phải đây chính là một trong những yếu tố then chốt để làm nên thành công thần kỳ hay không?

Bài học cho Việt Nam

Vẫn độc giả Mai Phương nhìn nhận, Việt Nam hiện đã có nhiều chính sách trọng dụng nhân tài nhưng được thực hiện một cách riêng lẻ, không nhất quán và đặc biệt là không hiệu quả. Bộ máy nhà nước có  tình trạng 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” hay 9 tỉnh có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà, theo báo cáo của Chính phủ là thực tế phải suy nghĩ.

Nạn “chạy” điểm, “chạy” bằng, “chạy” việc, “chạy” chức vẫn diễn ra âm thầm hay công khai; nạn “chảy máu chất xám” cũng vậy. Nhiều cử nhân đại học, thạc sĩ không được làm việc đúng ngành, nghề đã học. Đã có không ít trường hợp phải hủy kết quả thi công chức vì những vấn đề tiêu cực xảy ra.

Đáng buồn hơn hết là tiêu cực xảy ra cả trong kì thi tuyển sinh trung học, đại học ở nhiều tỉnh, thành - kỳ thi “tuyển dụng nhân tài” quan trọng đầu tiên với những người trẻ tuổi. Nếu ngay ở thời điểm đầu tiên, nhân tài đã không được sàng lọc một cách đúng đắn, thì những hạt sạn còn ẩn khuất rồi chờ thời leo cao.

Tình trạng lãng phí nguồn nhân lực ở Việt Nam là có thật. Không ít người có trình độ, năng lực bị trù dập, kìm hãm tài năng hay không có cơ hội thăng tiến trong công việc vì thiếu đi “người đỡ đầu” và cũng không thiếu những người tham quyền cố vị vẫn đang nắm giữ nhiều vị trí.

Năm 2017 Bộ Nội vụ bắt đầu triển khai Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp Vụ, cấp Sở, cấp phòng” với mong muốn thay đổi cách tuyển dụng nhân tài. Tuy nhiên, hiệu quả của đề án chưa đáp ứng với thực tiễn.

Đất nước ta không thiếu nhân tài bởi tính chịu khó học tập được coi là một trong những truyền thống tốt đẹp của người Việt. Điều quan trọng là phải thay đổi cơ chế trọng dụng nhân tài sao cho hiệu quả, thật sự đưa những người có năng lực vào bộ máy để họ cống hiến cho xã hội.

Nhìn rộng ra thế giới có thể thấy vấn đề trọng dụng nhân tài là một lời giải trong bài toán đi tìm nguyên nhân dẫn đến sự thịnh vượng của các nước. Bài học của Singapore vẫn còn nguyên giá trị và có lẽ là kinh nghiệm mà Việt Nam nên học hỏi để tạo ra một thế hệ những người phục vụ bộ máy công quyền đáng giá và đáng tự hào.

Lan Anh (lược ghi)

Bạn có đồng tình với những ý kiến trên đây hay có quan điểm khác? Hãy chia sẻ cùng chúng tôi qua phần bình luận bên dưới hoặc gửi bài viết về email: tuanvietnam@vietnamnet.vn

Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:

Vì sao Việt Nam tụt hậu?

Vì sao Việt Nam tụt hậu?

Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?

Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?

Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.

Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước

Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước

Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.

Giải phóng sức Nhà nước để Việt Nam hùng cường

Giải phóng sức Nhà nước để Việt Nam hùng cường

Đây là phương thức để sức dân được tiếp cận ngày càng nhiều và đầy đủ với các nguồn tài sản do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.