Từ năm 2017 đến nay, việc ngành thủy sản nước ta bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” đã gây thiệt hại lớn đến hoạt động xuất khẩu hải sản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). 

Thực hiện chủ trương lớn của Chính phủ, cùng với các bộ, ngành, địa phương, trong suốt thời gian dài vừa qua, lực lượng Bộ đội Biên Phòng (BĐBP) đã triển khai đồng bộ, cùng phối hợp với các cấp, ngành ở địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con ngư dân, nói không với việc khai thác hải sản bất hợp pháp, quyết tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản. 

Tuyên truyền thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi

Để gỡ “thẻ vàng” của EC thì cần chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đây được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và ngư dân ở các tỉnh có biển. Để chung tay cùng các địa phương trên cả nước quyết tâm gỡ "thẻ vàng" của EC, lực lượng BĐBP đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, tích cực tuyên truyền, vận động, ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển các nước đánh bắt hải sản trái phép... 

Trong đó, tuyên truyền thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi là biện pháp đang được lực lượng BĐBP ở các địa phương trong cả nước thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho ngư dân trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Xác định tuyên truyền là biện pháp căn bản, xuyên suốt nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân, thời gian qua, lực lượng BĐBP đã linh hoạt với các biện pháp tuyên truyền, vận động như gặp trực tiếp, thông qua hội nghị tập trung, sử dụng loa phóng thanh xã, phương và tại các cụm neo đậu tàu thuyền, phát tờ rơi…

Theo đó, lực lượng BĐBP đã tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho ngư dân về những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giới thiệu về Luật Thủy sản năm 2017, các quy định khai thác IUU, Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. 

Đồng thời, hướng dẫn các ngư dân chấp hành nghiêm các quy định khi ra khơi đánh bắt như điều khiển tàu cá ra khơi phải có bằng máy trưởng, thuyền trưởng; tàu cá cần phải được đăng kí đăng kiểm và trang bị đầy đủ phao cứu sinh, bảo hiểm thuyền viên. 

Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền cho ngư dân hiểu không sử dụng xung điện và chất nổ khi tham gia đánh bắt trên biển; không tham gia đánh bắt hải sản sai tuyến, sai vùng, không xâm phạm sang vùng biển nước ngoài; những quy định cở bản, trọng tâm trong phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không đúng quy định.v.v.. Và từ đó tổ chức ký cam kết cho các chủ phương tiện không vi phạm các quy định về đánh bắt thủy, hải sản.

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng đã giúp ngư dân nắm được các quy định của pháp luật, thấy được hệ luỵ của việc khai thác bất hợp pháp. Cùng với công tác tuyên truyền, công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tàu cá cũng được triển khai chặt chẽ.

Về phía các ngư dân, ngoài việc được tuyên truyền, hướng dẫn thì bà con còn được cập nhật thêm nhiều kiến thức cơ bản, như quy định về tìm kiếm cứu nạn, kiến thức an ninh, an toàn hàng hải, đặc biệt là những chỉ dẫn về sơ, cấp cứu y tế và kinh nghiệm cần xử lý khi gặp nạn, nhất là trong mùa mưa bão hiện nay. Đây là hành trang quan trọng giúp ngư dân vững tin khi đánh bắt hải sản trên biển, không vi phạm pháp luật.

Theo báo cáo của cơ quan BĐBP, từ năm 2019-2023, lực lượng BĐBP đã tuyên truyền trực tiếp được 628.160 lượt với 308.628 chủ phương tiện và 2.449.365 lượt người tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh được 9.575 lượt; vận động được 12.816 chủ phương tiện, thuyền trưởng và 55.698 lượt ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép. Ngoài ra, phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tặng 3720 túi sơ cấp cứu; 42.366 chiếc áo phao; 38.438 lá cờ Tổ quốc; treo 354 tấm pa nô, khẩu hiệu, in cấp phát gần 175 nghìn tờ rơi, gần 63 nghìn cuốn tài liệu cho các phương tiện, ngư dân.

Với phương châm "mưa dầm, thấm lâu", bằng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng của BĐBP đã giúp ngư dân nâng cao nhận thức pháp luật; các tàu thuyền vươn khơi bám biển khai thác hải sản không vi phạm quy định. 

Ngư dân đồng lòng chống IUU

Thời gian trước, do nhu cầu mưu sinh và thiếu kiến thức về luật biển, luật thuỷ sản nên một số ngư dân đã có những hành vi liều lĩnh như đưa tàu cá sang đánh bắt ở những vùng biển không được phép khai thác bị nước ngoài bắt và tạm giữ, một số trường hợp còn bị tịch thu tàu, phương tiện gây thiệt hại lớn cho chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên, đồng thời ảnh hưởng lớn đến uy tín và vị thế của ngành thuỷ sản Việt Nam. Điều này không chỉ gây thiệt hại về vật chất và kinh tế cho ngư dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các mối quan hệ giữa các quốc gia có chung đường biên giới trên biển.

Đang chuẩn bị cho một chuyến đi biển, anh Vũ Văn Trung, một ngư dân ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Trước mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi đều được các anh ở Đồn Biên phòng Quỳnh Phương gặp gỡ tuyên truyền, hướng dẫn và chỉ rõ cụ thể vùng nào là ngư trường mình được phép khai thác đánh bắt hải sản, vùng nào không được phép. Mỗi 1 lần đi là 1 lần được các anh dặn dò tỉ mỉ nên những người lớn tuổi như tôi vẫn thường tự bảo nhau, phải làm gương cho lớp trẻ để họ noi theo mình, vì thế chúng tôi không bao giờ vi phạm quy định”.

Cũng theo anh Trung, ngoài gặp gỡ trao đổi trực tiếp, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương còn tổ chức thu âm bằng đoạn file âm thanh gửi cho các chủ tàu với nội dung tuyên truyền về phòng, chống IUU ngắn gọn, dễ hiểu. Vì thế, mỗi lần ra khơi, chúng tôi lại mở để cùng nghe nhằm nắm rõ các quy định về khai thác IUU.

Tại các địa phương có biển, trước khi ra khơi, hầu hết các tàu, thuyền trưởng đi qua trạm kiểm soát Biên phòng đều được các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng phổ biến đầy đủ các quy định thực hiện trong quá trình đánh bắt ngắn gọn, tập trung vào các quy định chống IUU.

Nhờ đó đã góp phần giúp nâng cao nhận thức pháp luật của bà con ngư dân. Chính vì thế, thời gian gần đây, ngư dân đã hạn chế những vi phạm khi tham gia đánh bắt trên biển, đặc biệt là những quy định về IUU.

Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh ven biển có ngư trường rộng lớn, giàu tiềm năng và lợi thế phát triển nghề cá. Hiện tỉnh có hơn 4.600 tàu cá thuộc diện đăng ký, cấp phép, trong đó 59% tàu có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi. 

Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chống IUU, từ tháng 8/2022 đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không có tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Có được kết quả này là nhờ công tác tuyên truyền đã được các cấp, các ngành địa phương triển khai quyết liệt với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật của ngư dân trong việc phòng, chống IUU.

Vân Anh và nhóm PV, BTV