Tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức vào chiều 15/11, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT cho biết, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Trong đó, tại Khoản 3, Điều 10, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế. Người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
Đây là một trong những điểm mới, tiến bộ, quan tâm đến đối tượng tham gia giao thông là trẻ em.
Cũng tại buổi hội thảo, PGS.TS Phạm Việt Cường, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) giải thích rõ hơn những quy định trong luật.
Theo đó, người lái và người được chở trên ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.
Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m trên ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại ô tô chỉ có một hàng ghế, người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Ông Nhật cho biết thêm, trên thế giới, việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô đã được thực hiện từ nhiều năm qua như một quy định bắt buộc.
Còn ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quan tâm, thực trạng việc sử dụng dây an toàn, thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô khi tham gia giao thông còn chưa được chú ý.
Vì vậy, trong quá trình cho trẻ em tham gia giao thông trên phương tiện ô tô chưa đảm bảo an toàn, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ.
Cần hình thành thói quen sử dụng thiết bị an toàn trên ô tô
Theo Cục CSGT, trong 8 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 16.047 vụ tai nạn giao thông, làm 7.108 người chết và 12.224 người bị thương.
Đáng ngại là, tỷ lệ trẻ em ngồi ghế trước ô tô ở Việt Nam khá phổ biến. Khoảng 22,8% xe có trẻ em ngồi ghế trước một mình và 19,2% xe có trẻ ngồi ghế trước chung với người lớn.
Nhưng theo thống kê, tỷ lệ xe có sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ ở Hà Nội chỉ 2,6%, trong khi tại TPHCM là 1,1%, cá biệt tỷ lệ này ở Đà Nẵng là 0%.
"Quy định mới của Luật được thực hiện từ 1/1/2025, nhưng để đồng bộ về tuyên truyền… hiệu lực thi hành quy định trên được lùi thêm 1 năm, áp dụng từ 1/1/2026", ông Nhật nói.
Ths Dương Kim Tuấn, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết thêm, để quy định hiệu quả khi thực thi, một mặt cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của thiết bị an toàn; mặt khác cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá hoặc cho vay để các gia đình tiếp cận mua.
Song song với đó, có chế tài xử lý vi phạm với các trường hợp không tuân thủ quy định để nâng cao nhận thức của người dân.
Theo TS Dương Khánh Vân, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, trước việc áp dụng quy định bắt buộc về thiết bị an toàn, để sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô trở thành thói quen (như mũ bảo hiểm trước đây), bên cạnh chế tài xử lý nghiêm, cơ quan nhà nước cần phối hợp với doanh nghiệp cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá, kích cầu, đảm bảo chất lượng thiết bị an toàn phù hợp với điều kiện người tiêu dùng, để dễ dàng tiếp cận.