Báo cáo mới nhất về tiêm chủng do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) phát đi ngày 20/4 cảnh báo có tổng cộng 67 triệu trẻ em trên thế giới, trong đó gần 250.000 trẻ ở Việt Nam, không được tiêm vắc xin đầy đủ.
Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 là báo cáo thường niên quan trọng hàng đầu của UNICEF. Năm nay, báo cáo dành riêng về chủ đề tiêm chủng thường xuyên.
Theo đó, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc xin” nhiều nhất thế giới. Cụ thể, có 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc xin nào trong năm 2021.
Các dữ liệu mới được tổng hợp cho thấy trong nhóm những hộ gia đình nghèo nhất, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm vắc xin, trong khi đó, đối với nhóm những hộ gia đình giàu có nhất, tỷ lệ này chỉ là 1 trên 20.
Tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, cứ 10 em ở thành thị thì có 1 trẻ không được tiêm chủng. Tỷ lệ này ở nông thôn là 6/1.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%). Trong khi đó, 13,5% trẻ ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất không được tiêm chủng, tỷ lệ này gấp đôi so với nhóm các hộ giàu nhất (6,6%).
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết khi đại dịch bùng phát, việc tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam.
Có 4 lý do chính được đưa ra, gồm: nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế; điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc xin Covid-19; sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà.
Bà Lesley Miller cũng đề cập đến một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc xin hiện nay. Bà cũng bày tỏ quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi.
Theo vị Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian đại dịch hiện đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Vì thế, UNICEF kêu gọi sự cần thiết phải hành động nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người.