Vị doanh nhân có bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân tuyên bố dự định, đến 60 tuổi sẽ về làm khoa học.

Cổ phiếu MSN của Masan Group đóng cửa phên giao dịch ngày 7/3 đứng giá tham chiếu 90.000 đồng, tuy nhiên, xét trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua, mã này vẫn đạt được mức tăng 14,8%. Mức đỉnh mà MSN từng đạt được là vào đầu tháng 4/2018 với mức 114.600 đồng/cổ phiếu.

Dù ngồi ghế Chủ tịch HĐQT Masan Group nhưng ông Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu tượng trưng 15 cổ phiếu MSN trong khi vợ ông là bà Nguyễn Hoàng Yến nắm giữ 3,65%, tương đương 42,5 triệu cổ phiếu. Mặc dù vậy, theo khẳng định của Forbes Việt Nam, các dữ liệu họ thu thập được đủ chứng minh ông Quang là cổ đông cá nhân lớn nhất của Masan và kế tiếp là ông Hồ Hùng Anh.

{keywords}
Ông Nguyễn Đăng Quang quan niệm thước đo của thành công là sự tự do, có nhiều hơn quyền định đoạt cuộc đời mình và tuyên bố 60 tuổi sẽ quay trở lại làm khoa học.

Tuy khối lượng cổ phiếu trực tiếp sở hữu tại Masan Group rất khiêm tốn, ông Nguyễn Đăng Quang lại có hơn 177 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần tại Công ty CP Masan và hơn 75 triệu cổ phiếu MSN gián tiếp sở hữu qua 48,5% cổ phần Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương.

Tại thời điểm thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang có tổng tài sản 1,3 tỷ USD, là một trong năm tỷ phú USD của Việt Nam, xếp vị trí 1.717 trong danh sách người giàu thế giới. Ông Quang năm nay 55 tuổi, có bằng tiến sỹ Vật lý hạt nhân - đại học Vật lý ứng dụng - Viện Hàn lâm khoa học (Belarus).

Ông là một trong những doanh nhân Việt khởi nghiệp thành công ở Đông Âu. Năm 1993, ông đầu tư vào Techcombank, một trong những ngân hàng tư nhân được thành lập sớm nhất tại Việt Nam. Sau vài năm làm Phó Tổng giám đốc Techcombank, ông trở thành Thành viên HĐQT ngân hàng này vào năm 1999.

Ông Quang thành lập công ty Công nghệ Kỹ thuật thương mại Việt Tiến vào năm 1996, sản xuất tương ớt và mì gói xuất khẩu vào Nga – là tiền thân của Masan Consumer – “đế chế” hàng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay.

Vào năm 2004, ông tiếp tục thành lập Công ty Hàng hải Masan, là tiền thân của Masan Group. Đến năm 2009, Masan Group được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Forbes Việt Nam cho biết, ở cuộc trả lời độc quyền với tạp chí này vào mùa hè năm 2016, lần hiếm hoi xuất hiện trước truyền thông, chủ tịch Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cũng nói thành quả phát triển của tập đoàn do một tập thể xây dựng, tại Masan Group không có văn hóa đề cao cá nhân. Chủ tịch Masan Group khi ấy dành thời gian nói về chiến lược phát triển Masan Group mà ông gọi là “Masan’s way” (“con đường của Masan”).

Quan niệm về sự giàu có, ông Nguyễn Đăng Quang nói trên Forbes rằng: “Giàu có đối với tôi là thước đo của thành công. Thước đo của thành công là sự tự do. Cuối cùng, con người bằng các cách khác nhau đều cố gắng đi lên và tự có nhiều hơn cái quyền định đoạt của mình, quyền định đoạt cuộc đời mình làm những điều tôi muốn. Năm 60 tuổi, tôi sẽ quay trở lại làm khoa học.”

Trên thị trường chứng khoán ngày 7/3, tuy phần lớn thời gian diễn biến trên đường tham chiếu, song VN-Index lại kết phiên với mức giảm nhẹ 0,46 điểm tương ứng 0,05% còn 994,03 điểm. HNX-Index giữ được trạng thái tăng 0,4 điểm tương ứng 0,37% lên 108,88 điểm.

Tương quan số mã tăng giảm trên toàn thị trường không chênh lệch đáng kể. Trong khi có 342 mã tăng, 68 mã tăng trần thì cũng có 313 mã giảm và 30 mã giảm sàn.

Thanh khoản thị trường vẫn được đảm bảo với khối lượng giao dịch trên HSX là 210,69 triệu cổ phiếu tương ứng 4.686,26 tỷ đồng và trên HNX là 69,64 triệu cổ phiếu tương ứng 697,33 tỷ đồng.

Phiên này, VIC đã giảm biên độ tăng giá, nhưng vẫn đóng góp tích cực 1,46 điểm cho VN-Index. VCB, VRE, CTG, VHM… cũng đạt được trạng thái tăng giá đến cuối phiên. Ở chiều ngược lại, VNM, GAS, HPG, SAB giảm giá, YEG tiếp tục giảm sàn.

BVSC cho rằng, trong phiên cuối tuần, thị trường dự báo sẽ có diễn biến giằng co quanh ngưỡng tâm lý 1000 điểm. Trong kịch bản tích cực, Vn-Index vượt qua ngưỡng cản này, thì chỉ sẽ tiến vào vùng kháng cự mạnh tiếp theo nằm tại 1008-1025 điểm.

(Theo Dân trí)