Theo các nguồn tin của Ukraine, quân đội Nga đã tấn công một đơn vị của nước này bằng các drone cảm tử góc nhìn thứ nhất được phóng từ một "UAV mẹ" có thể tái sử dụng, vào sâu phòng tuyến khoảng 40km.

Bộ tiếp âm di động và nút liên kết dữ liệu

"UAV mẹ" thực hiện nhiệm vụ trinh sát trực quan, đóng vai trò như một bộ tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video, đồng thời là một hệ thống triển khai các máy bay không FPV.

Đáng chú ý, những chiếc UAV này cho phép liên lạc thông suốt với các UAV tấn công bằng cách hoạt động như một trạm chuyển tiếp trên không, ngay cả ở những khu vực mà các hệ thống tác chiến điện tử đã được kích hoạt.

Russian_company_Svyaz_Spetszashchita_unveils_Admiral_Aircraft_Carrier_special_system_to_launch_FPV_drones_near_targets.jpg.jpeg
UAV mẹ cõng drone cảm tử là chiến thuật mới tại Ukraine. Ảnh: ArmyRecognition

"Nga đã tấn công đơn vị của chúng tôi bằng các máy bay không người lái FPV, được đưa đến bằng một UAV mẹ có thể tái sử dụng ở khoảng cách 40km từ tiền tuyến. UAV mẹ đã tiến hành trinh sát trực quan và chỉ đạo FPV tấn công. Nó cũng hoạt động như một bộ tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video. Khoảng cách gần của UAV mẹ với FPV đã làm giảm hiệu quả của các thiết bị tác chiến điện tử xuống bằng 0", nguồn tin của EurAsia cho hay.

Đây là một trong những trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc quân đội Nga sử dụng “UAV mẹ” để triển khai các FPV từ khoảng cách xa như vậy.

Trong khi đó, truyền thông Nga xác nhận một số chức năng quan trọng của thiết bị chuyên chở UAV này, chẳng hạn như đưa FPV vào vị trí tấn công thuận lợi, trinh sát trực quan, và đóng vai trò tiếp âm cho các tín hiệu điều khiển và liên lạc video.

"UAV mẹ" bay gần chiến trường hơn, có thể tự định vị để duy trì kết nối ổn định với các FPV, đảm bảo chúng hoạt động hiệu quả kể cả trong những tình huống phức tạp. Điều này cho phép các FPV tấn công sâu vào lãnh thổ của đối phương, khắc phục những hạn chế về tầm hoạt động ngắn và đường liên lạc không đáng tin cậy trong các đợt tấn công ở độ cao thấp.

UAV mẹ cũng có thể cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động của các FPV bằng cách đóng vai trò như một hệ thống phân phối và nút liên kết dữ liệu.

Hệ thống AI nơ-ron thần kinh

Hồi tháng 10/2023, đã có các bài báo về việc SvyazSpetszachita của Nga quảng bá phương tiện chuyên chở UAV “Admiral” có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng(VTOL) có thể vận chuyển 2 FPV trên quãng đường lên tới 20km.

"Khái niệm phương tiện chuyên chở UAV đại diện cho sự phát triển đáng kể trong công nghệ tác chiến UAV. Bằng cách hoạt động như một phương tiện chuyên chở và trạm chuyển tiếp, UAV mẹ có thể tăng đáng kể phạm vi hiệu quả của các FPV", chuyên gia phân tích quốc phòng Vijainder K Thakur nhận định.

UAV Admiral có khả năng bay liên tục 4 giờ đồng hồ với tốc độ 120km/h, tải trọng 10kg và có thể mang theo 2 UAV Fighter-7 với mỗi chiếc nặng 2kg có tầm hoạt động trong phạm vi 6,5km. Các phiên bản tương lai của Admiral dự kiến sẽ mang theo tối đa 4 FPV, mở rộng khả năng tấn công của thiết bị.

Cơ chế điều khiển của Admiral được chi phối bởi các hệ thống kỹ thuật số tiên tiến, khả năng xác định mục tiêu và nhận dạng vật thể, vốn được tăng cường bởi hệ thống thị giác sử dụng công nghệ mạng nơ-ron. Tính năng hành vi do AI điều khiển này cho phép UAV có thể xác định và tấn công các mục tiêu của kẻ thù một cách hiệu quả.

Trong khi bay, Admiral thả các FPV để tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào mục tiêu của đối phương. Động cơ đốt cũng sạc lại pin của UAV giữa chuyến bay để đảm bảo thiết bị có thể “về nhà” suôn sẻ. Sau khi triển khai FPV, Admiral tiếp tục hoạt động như một bộ chuyển tiếp, duy trì liên lạc ổn định giữa các UAV cảm tử và người điều khiển chúng ở khoảng cách xa.

Tuy nhiên, bước nhảy vọt trong công nghệ tác chiến UAV đi cùng với chi phí cao. Chẳng hạn, UAV Admiral có chi phí lên tới 7,2 triệu ruble (74.000 USD), biến nó trở thành một công cụ đắt đỏ hơn nhiều so với các UAV truyền thống. Chi phí này có thể hạn chế việc triển khai những hệ thống như vậy trên quy mô lớn.

(Theo EurAsia, PopTech)