- "Uber vẫn tận dụng lái xe, bảo kê cho lái xe vi phạm, cấp tiền nộp phạt cho lái xe nếu xe này bị phạt”, ông Tạ Long Hỷ - Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết tại Hội nghị đối thoại với DN vận tải sáng 11/3.
Ông Tạ Long Hỷ đánh giá, mặc dù Bộ GTVT đã có chỉ đạo về tính pháp lý của loại hình vận tải này, yêu cầu xe hoạt động trong mạng lưới Uber đảm bảo quy định vận tải khách. Thế nhưng trên thực tế, Uber không thực hiện những chỉ đạo.
“ Uber được cấp phép hoạt động với 2 ngành nghề tư vấn quản lý và nghiên cứu thị trường. Tuy nhiên, thực tế hãng này đang điều hành mạng lưới vận tải với hàng nghìn lái xe tại TP. HCM”, ông Hỷ nói.
Uber vẫn hoạt động trái luật ở VN. |
Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết thêm, hiện nay có hàng ngàn xe do Uber điều hành taxi dù, xe không có đồng hồ, lái xe không được tập huấn, không có giá cước, không chứng minh được xe kinh doanh vận tải.
Khi bị lực lượng thanh tra chặn bắt, xử lý thì toàn bộ mạng Uber ngưng hoạt động. Điều này cho thấy đây là hoạt động không minh bạch ngoài vòng pháp luật.
"Uber vẫn tận dụng lái xe, bảo kê cho lái xe vi phạm, cấp tiền nộp phạt cho lái xe nếu xe này bị phạt", ông Hỷ nói.
Đưa ra con số 79 trường hợp xe Uber hoạt động trái phép trong thời gian vừa qua bị thanh tra giao thông xử lý, ông Hỷ cho rằng đây chỉ là con số rất nhỏ so với những xe Uber trái phép đang hoạt động tại TP.HCM.
Từ thực tế trên, ông Hỷ kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho chấm dứt hoạt động Uber tại Việt Nam cho đến khi hãng này chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Xung quanh vấn đề này, ông Lê Thanh Hà - Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết, Thanh tra Bộ đã tổ chức đoàn thanh tra các hoạt động của taxi Uber tại TP.HCM từ tháng 1 và đã có báo cáo gửi lãnh đạo Bộ.
Sắp tới, lãnh đạo Bộ sẽ làm việc với hãng Uber để có giải pháp cho phương thức vận tải này tại Việt Nam.
Cũng liên quan hoạt động taxi, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng: “Hiện nay TP.Hà Nội có 17.000 xe vận chuyển 20 triệu hành khách mỗi năm, thu hút hơn 30.000 lao động. Tuy nhiên, quan điểm hoạt động taxi là xe cá nhân đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp taxi. Doanh nghiệp phải tự kinh doanh, đầu tư mà không có hỗ trợ của nhà nước”.
Do vậy, ông Bình kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT xem xét taxi là phương tiện công cộng thay vì là xe cá nhân như hiện nay.
Ông Bình cũng cho biết thêm, việc quy định niên hạn taxi 8 năm tại đô thị mà không căn cứ thời điểm đưa vào sử dụng, dẫn đến hàng nghìn taxi ở Hà Nội phải dừng hoạt động trong thời gian qua, trong khi nhiều xe mới hoạt động 6-7 năm, gây bức xúc.
Hơn nữa, việc quy định niên hạn taxi tối đa chỉ được 8 năm ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TP.HCM... trong khi các các tỉnh thành khác được kéo dài tới 12 năm cũng nảy sinh bất cập. Đó là, sau khi hết niên hạn hoạt động ở Hà Nội, taxi lại dồn về các đô thị khác tiếp tục hoạt động thông qua việc mua bán chuyển nhượng…
Vũ Điệp