Theo thống kê của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng gỗ Việt Nam sang thị trường Anh là khoảng 170 triệu USD, dự báo cả năm sẽ đạt khoảng 230 triệu USD.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Anh đang chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Anh hiện chiếm khoảng 1% tổng giá trị nhập khẩu của quốc gia này.
Xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào Anh cao hơn so với mức bình quân của tất cả các ngành hàng. Tuy nhiên, con số trên vẫn rất khiêm tốn so với tiềm năng của ngành này.
Sau thời gian thực thi UKVFTA, đối với ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng có hai tác động khá tích cực.
Trước hết, là tác động trực tiếp, chúng ta được hưởng thuế suất ưu đãi trong vòng 5 năm tới tất cả sản phẩm gỗ với mức tiến về 0%, như vậy chúng ta có lợi thế so sánh so với các nước khác cũng đang xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Anh.
Thứ hai, chính là hiệu ứng lan tỏa. Anh là quốc gia có nền công nghiệp chế biến và thương mại gỗ chế biến phát triển rất sớm và là cửa ngõ vào EU, thậm chí là vào phần còn lại của thế giới. Do đó, một khi đã đưa được sản phẩm vào thị trường Anh thì chúng ta cũng đã chứng tỏ được năng lực của mình và không có lý gì không thể đưa được sản phẩm vào phần còn lại của thế giới.
Đặc biệt chú ý tới những vấn đề liên quan đến gỗ hợp pháp
Hiện nay thách thức phát triển thị trường, thương hiệu tại Anh của ngành gỗ Việt Nam đang rất lớn khi Anh ban bố dự luật về chống mất rừng và suy thoái rừng.
Anh là quốc gia có ngành công nghiệp gỗ phát triển rất sớm cho nên thường họ soi xét rất kĩ khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm gỗ chúng ta xuất khẩu vào thị trường này.
Ngoài ra, nước Anh đặc biệt quan tâm đến những vấn đề liên quan đến giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn rừng và giảm phát thải khí nhà kính. Tuy đã rời EU, nhưng mối quan tâm của Anh đối với những sáng kiến, những quá trình toàn cầu liên quan đến bảo vệ môi trường không chấm dứt, thậm chí còn có thể gia tăng.
Đáng chú, gần đây EU thông qua quy định về chống mất rừng và suy thoái rừng, dù Anh không phải thành viên của EU và không có nghĩa vụ thực hiện những quy định, hiệp định mới này, song các chuyên gia đánh giá họ sẽ đeo đuổi những quy định mà các văn bản pháp quy này đặt ra.
Do đó, ông Ngô Sỹ Hoài khuyến nghị khi xuất khẩu gỗ vào thị trường EU ngoài yếu tố về chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, cần đặc biệt chú ý tới những vấn đề liên quan đến gỗ hợp pháp để đảm bảo nguyên liệu gỗ mà chúng ta chế biến ra để xuất khẩu vào thị trường Anh phải là sản phẩm được khai thác hợp pháp.
Bên cạnh đó, chúng ta cần tuân thủ một loạt quy định khác như quy định về giảm phát thải khí nhà kính, quy định giảm CO2 và các quy định về sản xuất xanh, thương mại xanh.
"Cho nên thách thức của chúng ta có rất nhiều nhưng tôi cũng hoàn toàn tin tưởng các doanh nghiệp Việt Nam với năng lực thực tế đã được khẳng định trên thương trường trong gần 20 năm nay. Hơn thế, với sự có mặt của sản phẩm gỗ Việt Nam tại rất nhiều quốc gia khó tính trong đó có Anh, thì những câu chuyện liên quan đến rào cản về môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, thương mại xanh đối với nhóm sản phẩm gỗ chúng ta có thể có năng lực vượt qua được", đại diện Hiệp hội gỗ tin tưởng.