Tại kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO, nghi thức gõ búa công nhận quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng) là di sản thiên nhiên thế giới đã được thực hiện.
Cụ thể, nghi thức được thực hiện vào 17:40 ngày 16/9 (tức 21h39 ngày 16/9 giờ Việt Nam) tại thủ đô Riyadh của Vương quốc Saudi Arabia. Tham gia kỳ họp lần thứ 45, đoàn Việt Nam do PGS.TS Lê Thị Thu Hiền - cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - làm trưởng đoàn.
Trước đó, vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh từng được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào các năm 1994 và 2000.
Đến năm 2013, hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới.
Sau quá trình thẩm định, Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) đã dự thảo quyết định để Ủy ban Di sản thế giới thông qua tại kỳ họp lần thứ 38 ở Qatar năm 2014, trong đó khuyến nghị: "Quốc gia thành viên xem xét khả năng đề xuất nối dài với vịnh Hạ Long, theo các tiêu chí (vii) và (viii) và có thể là tiêu chí (x), để gộp cả quần đảo Cát Bà".
Theo UNESCO Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất.
Vịnh Hạ Long, Di sản đã tồn tại hàng triệu năm
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo giàu tài nguyên du lịch với diện tích 1.553km2 và gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Ở Vịnh Hạ Long, bao trùm nhiều giá trị, đó là giá trị về thẩm mĩ, địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học, văn hoá - lịch sử.
Đặc biệt, khu trung tâm Vịnh Hạ Long có giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo và cảnh quan thiên nhiên như: rừng ngập mặn, rạn san hô, bãi cát biển, hồ nước mặn và tùng áng, hang động…. Vịnh là dạng địa hình đảo xen lẫn các trũng biển, các vùng bãi triều có sú vẹt mọc và các đảo đá vôi vách dựng đứng rất tương phản nhau.
Các nhà khoa học đã chứng minh, sự hiện diện của Vịnh Hạ Long và những hòn đảo trên Vịnh, là những minh chứng độc đáo về lịch sử phát triển của trái đất, bao gồm đặc điểm địa chất và quá trình vận động, phát triển liên tục của dạng địa hình Karst, hệ Fengcong và Fengling. Địa hình đặc biệt của Vịnh Hạ Long có liên quan chặt chẽ tới lịch sử khí hậu và quá trình vận động kiến tạo của trái đất. Những hòn đảo ở đây là mẫu hình khá lý tưởng về Karst hình thành trong điều kiện nhiệt đới, ẩm. Toàn bộ khu vực Vịnh Hạ Long là một cảnh quan Karst qua nhiều triệu năm, với các tháp Karst hình chóp, hình tháp, bị bào mòn, tạo nên cảnh đẹp nổi bật, độc đáo toàn thế giới.
Hơn nữa, Vịnh Hạ Long còn là một trong những khu vực đá vôi kast trên biển rộng lớn nhất trên thế giới. Các đảo đá chủ yếu là đảo đá vôi (trên 90%), có độ cao khác nhau (từ 50-200m). Hàng ngàn đảo đá dù vô danh hay đã đặt tên đều chứa đựng trong mình những trầm tích của lịch sử.
Về đa dạng sinh học, có lẽ hiếm khu vực vịnh nào lại mang nhiều giá trị đa dạng sinh học như Vịnh Hạ Long. Đây là “kho” lưu trữ nguồn gen, nuôi dưỡng và sinh trưởng của gần 3.000 loài động, thực vật với 1.260 loài trên cạn và 1.553 loài sống dưới nước. Trong đó có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES, Danh lục đỏ của IUCN (Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế) và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc VHL, như: Cọ Hạ Long, Thiên Tuế Hạ Long, Nhài Hạ Long, Ngũ gia bì Hạ Long...
Vịnh Hạ Long còn là một trong những cái nôi cư trú của người Việt cổ với 3 nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm. Đây là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ, minh chứng sinh động cho quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam tại vùng Đông Bắc tổ quốc.
Bởi vậy mà từ xa xưa, đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi đã từng ngợi khen Vịnh Hạ Long là “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao” bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ lại vừa nên thơ. Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động, thậm chí đã được đặt tên riêng, như: Hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi, hòn Lư Hương…
Quần đảo Cát Bà - Chuỗi “ngọc xanh” giữa biển khơi
Cát Bà (thuộc huyện đảo Cát Hải, một trong 12 huyện đảo của Việt Nam) không chỉ có biển mà còn có núi non, hang động, rừng ngập mặn, bãi triều, rừng mưa nhiệt đới, ao hồ trên núi đá vôi, các rạn san hô rộng lớn. Cát Bà có hơn 300 hòn đảo lớn nhỏ. Quần đảo đặc biệt này vừa có biển, vừa có núi, vừa có làng chài lại có những khu rừng đặc hữu.
Dưới dưới tán rừng già hàng trăm tuổi, Vườn quốc gia Cát Bà là thế giới đa dạng sinh học muôn màu. Do quá trình kiến tạo địa chất và biển lấn đất liền cách đây khoảng mười nghìn năm nên rừng của đảo Cát Bà là rừng nhiệt đới ẩm ướt trên đá vôi. Vườn quốc gia Cát Bà là sự kết hợp của hệ sinh thái rừng trên cạn, rừng ngập mặn vùng biển với các rạn san hô gần bờ.
Trong vườn quốc gia, động Trung Trang dài khoảng 300m xuyên qua núi, là hang động do thiên nhiên kiến tạo trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Xen lễn những khối nhũ đá óng ánh như pha lê, các dải măng đá là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật như dơi, chim, côn trùng và bò sát.
Năm 2013, hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái được gửi tới Trung tâm Di sản thế giới. Năm 2014 quần đảo được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển Thế giới.
Huyện Cát Hải định hướng để Cát Bà trở thành một địa chỉ "xanh", xanh từ thiên nhiên đến "hệ sinh thái du lịch". Ngoài việc bảo vệ môi trường, Cát Hải nỗ lực để có môi trường thân thiện, an ninh đảm bảo và xây dựng thương hiệu du lịch tin cậy.
Cam kết thực hiện đúng tinh thần của Công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên
Cũng như nhiều nước trên thế giới, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, bên cạnh những đóng góp to lớn của ngành Du lịch trong tăng trưởng kinh tế, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một địa điểm cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường.
Những thách thức này lại càng trở nên nghiêm trọng, khi cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và tổ chức còn bất cập, các nút thắt cản trở sự phát triển bền vững du lịch chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các cảnh quan thiên nhiên đóng vai trò quan trọng vào bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà đang chịu khá nhiều áp lực lớn về môi trường. Bên cạnh các áp lực tại chỗ (giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước), các hoạt động ven vịnh rộng lớn và trên các lưu vực đổ vào vịnh (nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch - dịch vụ và sinh hoạt) đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Vịnh Hạ Long nhìn thấy rõ nhất là vấn đề nước thải sinh hoạt. Trung bình hơn 60.000m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra thì chỉ có khoảng 12% lượng nước thải trên bờ, phần lớn còn lại xả thải ra vịnh nhưng chúng ta mới xử lý có 38%. Môi trường nước hiện nay liên thông với nhau nên việc ô nhiễm ở hải lưu dọc bờ có thể di chuyển vào vùng lõi - đây là vấn đề cần quan tâm khi muốn phát triển du lịch bền vững.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam, cho biết: Chúng ta có di sản thiên nhiên ban tặng và cần khai thác hài hòa, bền vững lâu dài. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần tăng thêm nguồn lực để làm tốt công tác quản lý. Bản thân du khách cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản, cần truyền thông, đẩy mạnh giáo dục du khách về trách nhiệm này. Bởi một trải nghiệm tốt chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng và những giá trị lâu dài là khi họ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè đến với di sản. Tôi cho rằng các bạn cần theo đuổi những cách tiếp cận bền vững theo các nhóm giải pháp đã đưa ra để trở thành một điển hình cho các địa phương khác trong cả nước học tập. Đã đến lúc chúng ta nên hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường.
Để đánh giá sức tải của Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long để có kế hoạch quản trị du lịch di sản bền vững, Quảng Ninh đã mời chuyên gia nước ngoài vào cuộc. Đây là bước đi mới, tiệm cận cách quản lý khoa học, kiểm soát những tác động tiêu cực của con người nhất và cũng là cam kết của Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản đúng như tinh thần của Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ tại Paris vào năm 1972.
Qua khảo sát các chuyên gia đề xuất 5 nhóm giải pháp gồm: Phát triển hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; Tổ chức thời gian đến các điểm tham quan, phân vùng các khu vực trên vịnh, phát triển hệ thống cảng biển, áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền trên vịnh Hạ Long; Áp dụng việc quản lý du lịch thông minh và tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản…; Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Còn nhiều việc phải làm để có thể quản lý di sản một cách khoa học. Tuy nhiên, việc Quảng Ninh đi tiên phong mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá sức tải của di sản là cách nhìn nhận thẳng thắn, toàn diện và là bước tiến để hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý bảo tồn di sản và khai thác, phát triển văn hóa, du lịch bền vững, nhất là khi Quảng Ninh đang thực hiện chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh, lấy du lịch là động lực, là lĩnh vực chính cho sự phát triển trong tương lai. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản đúng như tinh thần của Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ tại Paris vào năm 1972.
Thu Thuỷ