Xoài là loại trái cây phổ biến trong mùa hè và có nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Ở Việt Nam, xoài được trồng từ Nam chí Bắc, vùng trồng xoài tập trung là từ Bình Định trở vào và xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long như: An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Nai,… Các giống xoài hiện được trồng tại Việt Nam là xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu, xoài Xiêm, các giống xoài Thái, xoài Úc,… 

Xoài tươi của Việt Năm đã xuất đi được 22 nước trên thế giới, nhiều loại xoài ở đồng bằng sông Cửu Long đã được xuất khẩu đi hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand,… 

Mục tiêu phấn đấu của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 ha xoài; sản lượng lên đến 1.5 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu nâng lên 650 triệu USD; có trên 70% cơ sở chế biến/bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ tiên tiến… 

W-vuonxoai.png
Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng xoài trồng chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước và đã cấp được 642 mã số vùng trồng, diện tích trên 21.000 ha

Ở đồng bằng sông Cửu Long, lượng xoài trồng chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước và đã cấp được 642 mã số vùng trồng, diện tích trên 21.000 ha. Để đảm bảo xuất khẩu thì các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục đăng ký vùng trồng xoài; cấp mã số; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh sách cho phép. Đối với cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý, phải được kiểm tra giám sát định kỳ và có sự chấp nhận của nước nhập khẩu,…

Đơn cử tại An Giang- nơi có 17.900 diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có 12.000ha xoài. Riêng huyện Chợ Mới là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh, với 6.400ha. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở 3 xã Cù Lao Giêng: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân với tổng diện tích 4.204ha.

Để trái xoài lên được kệ siêu thị tại các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, Hàn Quốc và chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới là cả sự nỗ lực, phấn đấu rất lớn của các cấp ủy, chính quyền và các doanh nghiệp, đặc biệt là hợp tác xã và người nông dân. Xoài phải đảm bảo nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của đối tác nhập khẩu về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng gây hại, truy xuất nguồn gốc, chiếu xạ…

Đảm bảo các thông tin truy xuất nguồn gốc trái xoài, thời gian qua, An Giang đẩy mạnh thực hiện việc cấp mã số vùng trồng. Việc An Giang sớm quy hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã giúp tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây xoài, với các giống xoài chủ lực là xoài ba màu, cát Hòa Lộc, xoài keo. Bên cạnh đó, xoài của An Giang cũng có những diện tích được cấp chứng nhận VietGAP nên việc thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng nhanh và thuận lợi. 

Để duy trì chất lượng mã số vùng trồng, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh vừa phối hợp Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, Trạm trồng trọt và BVTV thị xã Tân Châu đến kiểm tra mã số vùng trồng xoài cát Hòa Lộc tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu. Tại đây, đoàn kiểm tra, đánh giá vùng trồng gồm các cơ sở dữ liệu thông tin: Quy trình sản xuất; các biện pháp áp dụng để quản lý sinh vật gây hại; tình hình sử dụng thuốc BVTV, phân bón; vệ sinh thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV; việc áp dụng phần mềm Farmdiary tại vùng trồng; sổ nhật ký canh tác, sổ theo dõi các sinh vật gây hại, an toàn thực phẩm…