Cuối năm 2021, tỉnh Bình Dương phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện quyết tâm của địa phương trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19…

Chùa Hội Khánh, thành phố Thủ Dầu Một là ngôi chùa cổ nhất Bình Dương, nổi tiếng với bức tượng Phật nằm trên mái dài nhất châu Á.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh là tham quan làng nghề truyền thống và nhóm sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan tìm hiểu các di tích, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, quy trình sản xuất, tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đồng thời, củng cố duy trì các sản phẩm dịch vụ hiện có, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ các điều kiện để phát triển nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ. Theo đó, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh bao gồm: sản phẩm du lịch tham quan làng nghề truyền thống gắn với làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm Tân Phước Khánh, làng heo đất Thuận An và Bảo tàng gốm sứ Minh Long.

Giai đoạn từ năm 2026 – 2030, sẽ đẩy mạnh công tác hoàn thiện, nâng cao giá trị gia tăng của nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng và nhóm sản phẩm du lịch chính, kết hợp với phát triển nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ… Qua đó, khai thác thế mạnh các trung tâm thương mại, hệ thống các siêu thị, các làng nghề, các giá trị ẩm thực đặc trưng, đăng cai tổ chức các chương trình hội nghị quốc tế, triển lãm quốc tế, giải thể thao cấp quốc gia và quốc tế…

Để thích ứng với tình hình mới hiện nay, để góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, trên cơ sở những kết quả đạt được trong việc thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trên lĩnh vực du lịch thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh.​

​Theo đó, Kế hoạch xác định mục tiêu đến năm 2025, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong phát triển đô thị thông minh, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; hoàn thiện nền tảng ứng dụng công nghệ hiện có phục vụ khách du lịch, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Tiếp tục hoàn thiện Cổng Thông tin du lịch, App Du lịch đảm bảo cung cấp đầy đủ các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch và thông tin cần thiết khác. Tích hợp các ứng dụng tiện ích hỗ trợ khách du lịch, các chủ thể khác liên quan đến du lịch. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm được ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để nâng cao trải nghiệm và phù hợp với hành vi tiêu dùng của khách du lịch; phát triển hệ thống dữ liệu số, cơ sở dữ liệu ngành du lịch làm nền tảng cho xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh. Kết nối, chia sẻ dữ liệu ngành du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đến khách du lịch.

Đến năm 2030, phát triển du lịch thông minh đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch Bình Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với các điểm đến hấp dẫn tương xứng với phát triển đô thị, thành phố thông minh vùng đổi mới sáng tạo. Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, đồng bộ trên cơ sở tiếp cận những công nghệ tiên tiến; mở rộng phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh, đóng góp việc hình thành các chuỗi đô thị thông minh phạm vi toàn tỉnh.

Thời gian qua, để triển khai thực hiện CĐS, ngoài xây dựng trang web du lịch Bình Dương, tỉnh cũng đã đưa vào hoạt động app du lịch Bình Dương nhằm cung cấp tất cả những thông tin về du lịch Bình Dương phục vụ nhu cầu tìm hiểu của du khách. Việc xây dựng app du lịch được xem là một điểm sáng của du lịch Bình Dương.

App du lịch này sẽ cung cấp cho du khách và những ai muốn tìm hiểu thông tin liên quan du lịch Bình Dương, như: Cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch, dịch vụ vui chơi, ăn uống, bản đồ hướng dẫn… Sau thời gian vận hành, app du lịch này đã được người dân và du khách rất quan tâm. Đến nay, số lượng truy cập app khoảng hơn 1,5 triệu lượt và khoảng 800.000 lượt tải về.

Ngoài app du lịch Bình Dương, hiện nay trung tâm còn được giao quản lý khai thác website dulichbinhduong.org. vn. Đây là trang web tích hợp nhiều tính năng, tiện ích đa dạng hỗ trợ các hoạt động du lịch, như: Bản đồ du lịch điện tử, tiếp nhận góp ý, phản ánh, bình luận từ du khách và người truy cập. Bên cạnh đó, trung tâm còn khai thác các trang mạng xã hội Facebook, Zalo như là một trong những kênh quảng bá thông tin hiệu quả và phổ biến.

Tô Mỹ Bình, Trần Quang Ninh