Trong những năm qua, chất lượng cải cách thủ tục hành chính tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh Bình Dương không ngừng được cải thiện, tạo nền tảng quan trọng thực hiện mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Tới nay, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 697/1.893 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình (36,82%), 692/1.893 DVCTT một phần (36,555%), và 504/1.893 TTHC thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (26,625%). Đồng thời phê duyệt danh mục DVCTT đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 (từ ngày 01/6/2023 - 30/9/2023) với 731/1.950 DVCTT (chiếm 37%).
Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công tỉnh Bình Dương đã được hợp nhất với các tiện ích: Tra cứu hộ khẩu thông qua cơ sở dữ liệu dân cư, số hóa, trợ lý ảo, ký số trên Eform, ký số trên file PDF, thanh toán trên nền tảng dịch vụ công Quốc gia, thanh toán nghĩa vụ thuế lĩnh vực đất đai, thanh toán trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã và rà soát, chuẩn hóa quy trình thủ tục và hệ thống báo cáo.
Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh thu thập, kết nối dữ liệu và tích hợp lên hệ thống hơn 1.000 chỉ số ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội. Xây dựng, triển khai các hệ thống giám sát, điều hành về kinh tế - xã hội các cấp gồm hệ thống chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; hệ thống giám sát, điều hành chuyên ngành ở 13/19 sở, ban, ngành; 9/9 hệ thống giám sát điều hành cấp huyện.
Toàn tỉnh có 43.117 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 8.705 doanh nghiệp công nghệ số; 41.162 doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thực hiện chuyển đổi số đang sử dụng các nền tảng số cho hoạt động của đơn vị mình. Qua thống kê, 82% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính hợp pháp khác; 89% người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông. Tỉnh đã thành lập 586 Tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số.
Đối với công tác cải cách hành chính, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 697/1.893 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình (36,82%), 692/1.893 DVCTT một phần (36,555%), và 504/1.893 TTHC thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin trực tuyến (26,625%). Đồng thời phê duyệt danh mục DVCTT đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 1 (từ ngày 01/6/2023 - 30/9/2023) với 731/1.950 DVCTT (chiếm 37%).
Toàn tỉnh đã triển khai 23/25 dịch vụ. 100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 được triển khai trên Cổng DVCTT tỉnh (1.290/1.290 dịch vụ). Tính đến ngày 01/3/2023, có 139.525 tài khoản đã được tạo trên Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC tỉnh. Đã thu nhận 607.725/1.005.735 hồ sơ định danh điện tử mức 2, đạt tỷ lệ 60,43%. Theo thống kê của Cục C06, Bộ Công an, tính đến ngày 16/3/2023, tổng số hồ sơ định danh điện tử được phê duyệt là 556.290 hồ sơ; tổng tài khoản đã kích hoạt là 172.986/1.005.735, đạt 17,2% (đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng tài khoản kích hoạt thành công).
Toàn tỉnh đã cấp 1.919.976/1.972.053 Căn cước công dân (CCCD), đạt 97,36%. Thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip tích hợp Bảo hiểm y tế (BHYT), tính đến ngày 27/3/2023, có 1.680.901 thẻ BHYT đã được cơ quan BHXH tích hợp/xác thực với số CCCD; 177/177 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp với 726.878/879.666 lượt tra cứu thành công.
Năm ngoái, Chỉ số PAPI của tỉnh đứng thứ 2 cả nước, Chỉ số SIPAS đứng thứ 4; Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 35 trong các tỉnh, thành. Trong quý I/2023, đã tiếp nhận 310.786 hồ sơ thủ tục hành chính (trực tuyến: 159.463; trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính: 151.323). Trong đó, hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỷ lệ 96,09%.
Xác định, công tác CĐS năm 2023 với nhiều nhiệm vụ nặng nề, từ nay tới cuối năm, Bình Dương dồn sức để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác CCHC; khắc phục những chỉ số thành phần để nâng cao cải thiện Chỉ số PAR INDEX. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho Đề án 06; chuẩn bị tốt việc triển khai thí điểm các mô hình Bình Dương được Trung ương chọn làm điểm.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện 100% DVC trực tuyến đủ điều kiện không nhận hồ sơ giấy, thủ tục nào số hóa thì phải giải quyết chuẩn hóa quy trình khung, xây dựng quy trình nội bộ và thống nhất quy trình thực hiện trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo thực hiện việc xây dựng Đề án đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với chuyển đổi số và nhận diện thương hiệu với mục tiêu "Hành chính phục vụ, người dùng là trung tâm" để triển khai thực hiện ngay trong năm 2023.
Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận xã hội về thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Nâng cao trình độ năng lực, thái độ phục vụ người dân của cán bộ tại bộ phận một cửa các cấp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC; phối hợp nhịp nhàng, thống nhất quy trình giữa các sở ngành, đơn vị…
"Yêu cầu cần tập trung củng cố các Tổ công nghệ số cộng đồng; khẩn trương thực hiện Đề án camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh. Các sở ngành cố gắng số hóa nhanh các thủ tục hành chính, đặc biệt là 2 ngành Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng nhằm cơ bản đáp ứng lộ trình giải quyết hồ sơ không giấy. Trước ngày 30/6/2023, các sở, ngành, đơn vị phải hoàn thành bộ dữ liệu số", Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số (CĐS), cải cách hành chính (CCHC) và Đề án 06 năm 2022 vừa mới đây.
Cửu Long