Tiếp tục Chương trình nghị sự AIPA-42, chiều 24/8 Ủy ban Xã hội đã họp, thảo luận về các dự thảo nghị quyết đệ trình ra Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua.
Ủy ban Xã hội đã xem xét và thông qua 4 dự thảo nghị quyết: Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4) kèm theo Nghị quyết “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy;” “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu;” "Đưa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia."
Về vấn đề biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu quan trọng và kêu gọi Cộng đồng AIPA cần cùng nhau hành động thực chất hơn nữa.
Tình hình đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu |
Hiện nay, tình hình đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bị tác động mạnh mẽ.
Các đại biểu nhất trí về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ số trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và khẳng định các Nghị viện thành viên AIPA có tiếng nói chung, thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác bên trong; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia phát triển bên ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông, xây dựng..., nhằm kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Đoàn Việt Nam ủng hộ thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; ủng hộ việc thực thi có hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số bao trùm thuộc Khung phục hồi tổng thể ASEAN và đẩy nhanh việc xây dựng Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cho ASEAN.
Đoàn Việt Nam hoan nghênh 2 dự thảo nghị quyết là sự tiếp nối Nghị quyết được thông qua tại Ủy ban Kinh tế trong khuôn khổ AIPA 41 do Việt Nam là nước chủ nhà về “Vai trò của Nghị viện trong thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau dịch bệnh COVID-19”; nhấn mạnh việc thúc đẩy ASEAN số có tính bao trùm và hợp tác du lịch trong ASEAN hậu COVID-19 là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực thường xuyên, liên tục và cần thiết có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về Phục hồi kinh tế sau đại dịch: Hợp tác du lịch trong ASEAN, Đoàn Việt Nam đề nghị dự thảo Nghị quyết khuyến nghị các nước có chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về du lịch; kêu gọi các nước chia sẻ những tiêu chí đánh giá rủi ro, quy định xét nghiệm và hiện trạng tiêm chủng vaccine nhằm xây dựng hệ thống đánh giá, ưu tiên những thị trường trọng điểm; khuyến khích xây dựng các tiêu chuẩn và quy trình về sức khỏe và an toàn thống nhất trong ASEAN.
Đồng thời, phục hồi và phát triển du lịch theo các nguyên tắc phát triển bền vững và toàn diện, trong đó không chỉ chú trọng đến bảo tồn đa dạng sinh học mà còn gắn liền với bảo tồn đa dạng văn hóa trong phát triển du lịch; bổ sung cơ chế “bong bóng du lịch” như đã thảo luận trong ASEAN, AIPA, qua đó kêu gọi các nước thành viên tạo hành lang xanh, bắt đầu mở cửa biên giới trở lại tới các địa điểm đã an toàn, thiết lập đầy đủ thủ tục cần thiết và đánh giá được những rủi ro tiềm năng thông qua khung đánh giá ASEAN.
Văn Quý