Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số với chương trình phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP”, sáng 17/6 tại Quảng Nam, ông Nguyễn Thành Công - đại diện VNPT cho biết, để hướng đến công nghệ số, mỗi doanh nghiệp cần áp dụng từ gốc của sản phẩm.

Ông Công dẫn chứng , khi một quả bơ xuất ra thị trường thì chính quả bơ đó có một mã riêng biệt, người dùng sẽ biết được nguồn gốc, xuất xứ, công chăm bón, ngày thu hoạch… như thế nào sau khi quét mã, tạo được sự tin tưởng về chất lượng sản phẩm.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thành Công, hiệu quả của việc áp dụng công nghệ số vào kinh doanh được nhìn thấy rõ nhất chính là khâu làm hợp đồng. Việc xử lý hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử có sự chênh lệch về giá trị rất lớn, lên đến 5 lần. Tổng chí phí cho in ấn, quản lý, lưu trữ, vận chuyển cho một hợp đồng giấy vào khoảng 50.000-110.000 đồng, nhưng con số này được giảm xuống 10.000-20.000 đồng nếu áp dụng hợp đồng điện tử.

Cùng với đó, thời gian xử lý từ 2-10 ngày cho hợp đồng giấy sẽ giảm xuống còn 2-4 giờ cho hợp đồng điện tử.

Ông Trương Thái Sơn, Trưởng phòng CNTT - Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT Quảng Nam

Trưởng phòng CNTT - Bưu chính viễn thông (Sở TT&TT Quảng Nam) - ông Trương Thái Sơn thông tin, tỉnh đã có hơn 400 nhà cung cấp với gần 2.000 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, với riêng sàn Postmart, các doanh nghiệp ở tỉnh đã tiêu thụ được hơn 35 tấn nông sản như vải thiều, nhãn, hành tỏi, cam…

“Nhờ công nghệ số, các doanh nghiệp giảm được 30% cước vận chuyển”, ông Sơn nhấn mạnh.

Theo thống kê của tỉnh, có 8.341 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đến nay có 670 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho chính quyền số là hơn 24,7 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số cũng được ông Sơn nhắc đến như chi phí đầu tư, việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin về công nghệ số...

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đến năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu có ít nhất 1.000 DN trong tổng số hơn 8.300 doanh nghiệp trên địa bàn tham gia các hội thảo, những khoá đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và được kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu

Ông Bửu nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần xây dựng bài bản kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao. Chính quyền Quảng Nam cam kết đồng hành, tiếp sức các doanh nghiệp, hợp tác xã... trong quá trình chuyển đổi số”.

Công Sáng