Việt Nam là nước thứ 2 ở Châu Á và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á ứng dụng công nghệ phẫu thuật robot. Hiện có 6 bệnh viện trong nước đã làm chủ kĩ thuật này.
Trên thế giới, ca phẫu thuật robot đầu tiên được ghi nhận vào năm 1985 và từ đó đến nay ứng dụng robot hỗ trợ phẫu thuật ngày càng được hoàn thiện về công nghệ, kĩ thuật. Có 4 hệ thống robot nổi bật đang được ứng dụng bao gồm: robot phẫu thuật nội soi Da Vinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và robot phẫu thuật thần kinh Rosa.
Tại Việt Nam, vào năm 2012 bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng robot định vị chính xác Renaissance trong phẫu thuật cột sống. Tính đến 2017, đã có hơn 1.000 được phẫu thuật thành công, nhiều nhất khu vực. Điều đáng nói là không ghi nhận một biến chứng nào từ bệnh nhân, dù đây là một kỹ thuật mới.
Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Bình Dân TP.HCM là những đơn vị tiếp theo ứng dụng kĩ thuật phẫu thuật robot.
Từ 2014, bệnh viện Nhi Trung ương được Nhà nước đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để triển khai phẫu thuật nội soi có ứng dụng robot một cách đồng bộ. 3 loại hình chính được triển khai bằng phẫu thuật robot tại đây là phẫu thuật trong ổ bụng (nang ống mật chủ, teo mật, đường tiêu hóa như phình đại tràng bẩm sinh, luồng trào ngược dạ dày); phẫu thuật đường tiết niệu (hội chứng khúc nối niệu quản bể thận) một số phẫu thuật cắt khối u, cắt thùy phổi trong lồng ngực. Hàng trăm bệnh đã được phẫu thuật thành công bằng công nghệ này, năng lực của các phẫu thuật viên cũng được nâng cao nhanh chóng. Nhờ kĩ thuật mới này, những ca bệnh khó như bệnh nhi nhẹ cân nhất (28 tháng, 11kg) bị u nang ống mật đã được phẫu thuật thành công.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, năm 2015, bệnh viện đã thành lập 2 khoa phẫu thuật mới trên cơ sở Khoa Ngoại tổng hợp: Khoa Phẫu thuật thần kinh sọ và Khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình cột sống. Bệnh viện đã cử 2 kíp kỹ thuật đi học về phẫu thuật robot tại Mỹ, đồng thời xây dựng 2 phòng mổ mới với 2 hệ thống robot phẫu thuật MAKO và ROSA, hiện đại nhất, ngang tầm với các nước trên thế giới để phục vụ và điều trị bệnh nhân. Sau khi ứng dụng rất hiệu quả robot trong phẫu thuật bệnh lý cột sống, trong tháng 2/2017, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp tục đưa vào sử dụng 2 robot phẫu thuật điều trị bệnh lý khớp gối và phẫu thuật thần kinh.
Đầu tháng 12/2016, Bệnh viện Bình Dân đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống phẫu thuật bằng robot. Hiện bệnh viện này triển khai hoàn chỉnh phẫu thuật bằng robot cho 14 mặt bệnh được Bộ Y tế phê duyệt gồm: ung thư tuyến tiền liệt; cắt bàng quang tận gốc; cắt thận bán phần, toàn phần; tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản; điều trị sa sinh dục; tạo hình bàng quang bằng ruột; ung thư dạ dày; ung thư đại trực tràng; ung thư gan; nang ống mật chủ; ung thư tụy; ung thư đường mật ngoài gan; ung thư phổi; u trung thất.
Theo Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, từ tháng 10/2017, bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã chính thức triển khai hệ thống phẫu thuật bằng robot Da Vinci nhằm điều trị nhiều loại ung thư như: ung thư tuyến tiền liệt, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, cắt nang ống mật chủ, tạo hình khúc nối bể thận-niệu quản, ung thư gan,…
Đến tháng 7/2018, bệnh viện Vinmec Times City chính thức khai trương Trung tâm phẫu thuật robot tư nhân đầu tiên tại Việt Nam; chính thức làm chủ kỹ thuật phẫu thuật robot điều trị các bệnh lý ung thư, tiêu hóa, tiết niệu - sinh dục, phụ khoa… Đặc biệt, Vinmec là bệnh viện đầu tiên triển khai phẫu thuật robot trong điều trị phụ khoa. Kỹ thuật này đem lại lựa chọn tối ưu trong phẫu thuật điều trị ung thư niêm mạc tử cung, ung thư cổ tử cung; u buồng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm phần phụ, vi phẫu nối vòi tử cung trong điều trị vô sinh...
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Việc triển khai phẫu thuật robot tại Việt Nam chưa ghi nhận một tai biến nào. Với các ưu thế vượt trội an toàn, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng phẫu thuật, giảm đau, ít mất máu, hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ, robot có thể sử dụng cho hầu hết các trường hợp phải điều trị bằng phương pháp nội soi.
Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, việc ứng dụng robot trong phẫu thuật các bệnh lý phức tạp đã đánh dấu bước phát triển mới trong ứng dụng công nghệ cao của các bệnh viện và ngành y tế. Từ đó nhiều ca bệnh khó sẽ không cần phải ra nước ngoài để chữa trị mà người dân có thể được thụ hưởng các kỹ thuật cao ở ngay trong nước một cách hiệu quả, giảm được rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh.
D.Minh (tổng hợp)