Dị ứng với viên trắng da, viên thải độc
Theo giới thiệu của người bán, viên trắng da này không phải thuốc, hàng nước ngoài, nhãn hiệu viết bằng chữ Nhật. Sau 3 ngày sử dụng, hai tay cô gái bắt đầu nổi mẩn đỏ, phồng rộp dạng bóng nước, lan ra cổ rồi toàn thân. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, trước đó không ăn đồ lạ.
Bác sĩ Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng quan sát bao bì đựng viên trắng da mà bệnh nhân mang theo. Anh không thấy thành phần công bố theo quy định hay tem kiểm định của cơ quan chức năng.
Một phụ nữ khác cũng đến phòng khám dị ứng vì mẩn ngứa. Chị đã uống thực phẩm chức năng được quảng cáo chứa tinh chất thông đỏ. Bộ sản phẩm bán với giá hơn 10 triệu đồng.
Bác sĩ Tài cũng không thể tìm được thành phần trên bao bì sản phẩm này. “Có thể người bệnh dị ứng với một thành phần, tá dược hoặc chất bảo quản trong thực phẩm chức năng đã uống”, anh nói.
Nghiêm trọng nhất phải kể đến bệnh nhân V.T.H (25 tuổi, Lâm Đồng) vừa được Bệnh viện Da liễu TP.HCM cứu sống.
Một phần cơ thể chị V.T.H khi nhập viện. Ảnh: BVCC
Chị H. bị bệnh vảy nến. Chị đã mua combo 7 loại thực phẩm chức năng có giá gần 5 triệu đồng. Sản phẩm được người quen quảng cáo gồm vitamin tổng hợp, canxi, omega 3… có tác dụng tăng đề kháng, làm đẹp da và thải độc tố.
Sau 18 ngày sử dụng, chị H. suy kiệt, miệng nổi nhiều mụn nước, mệt mỏi, sốt li bì. Các vết ngoài da giống như bị bỏng khắp từ mặt đến chân. Khi cơn đau ngoài sức chịu đựng, chị được chồng đưa đi cấp cứu ở TP.HCM. Bác sĩ cho biết, chị H. có nguy cơ tử vong khoảng 50% vì nhiễm độc rất nặng.
Ngay khi có bất thường, chị H. đã liên hệ với người bán hàng và được giải thích “cơ thể đang thải độc, thuốc đang phát huy tác dụng”. Đặt lòng tin vào người quen, chị H. suýt phải đổi bằng tính mạng của mình.
Thực phẩm chức năng: Không phải cứ thích là dùng
Theo bác sĩ CK2. Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bệnh nhân V.T.H. bị hoại tử thượng bì nhiễm độc do sử dụng thực phẩm chức năng. Đây là một phản ứng dị ứng thuốc nặng, xảy ra do đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc.
"Các tá dược hay chất bảo quản có trong thực phẩm chức năng đều có nguy cơ gây dị ứng", bác sĩ Quỳnh nói.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, tác nhân lạ khi đưa vào cơ thể đều có thể gây dị ứng tùy cơ địa mỗi người.
Người dân thường cho rằng, thực phẩm chức năng là đồ bổ và lành, không gây hại. Tuy nhiên, cơ địa mỗi người khác nhau, có thể dị ứng với thành phần hoặc tá dược, chất bảo quản, chất tạo màu, tạo mùi… của thực phẩm chức năng đó.
Bác sĩ Trần Thiên Tài lưu ý, người bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tiền sử đột quỵ, bệnh tự miễn… càng phải cẩn trọng. Nếu thành phần thực phẩm chức năng chứa chất chống chỉ định với loại bệnh, người uống vào lại khiến bệnh nặng hơn.
“Tần suất các ca dị ứng thực phẩm chức năng thấp hơn so với dị ứng thuốc. Tuy nhiên, mức độ không khác nhau, từ nhẹ đến nặng và thậm chí rất nặng”, bác sĩ Tài nói.
Để tránh hậu trả trên, bác sĩ Tài cho rằng, người dân nên chọn loại thực phẩm chức năng có tem kiểm định, nguồn gốc, xuất xứ, thành phần rõ ràng. Khi thành phần có chất từng gây dị ứng cho người dùng thì không nên sử dụng.
Nếu có điều kiện, người mua nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, nhất là với người có bệnh nền. Không tự động bổ sung các loại vitamin vì nếu quá liều có thể gây ngộ độc.
Trong quá trình sử dụng thực phẩm chức năng, ngay khi có triệu chứng khác lạ, mệt mỏi, nôn ói, ngứa, nổi mẩn… người dân cần đến bệnh viện ngay để được can thiệp.
“Nếu sản phẩm trôi nổi, không nguồn gốc, thậm chí chứa chất cấm có thể dẫn đến nhiễm độc, đe dọa tính mạng người bệnh”, bác sĩ Tài cảnh báo.