Thừa Thiên Huế có hơn 1.600 loài dược liêụ, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước. Trong đó, có nhiều cây dược liệu quý như: tràm, hoắc hương, hương nhu trắng, hương nhu tía... Các loài cây dược liệu thường được tìm thấy ở các khu vực như: Bạch Mã (810 loài), A Lưới (320 loài), Phong Điền (159 loài)…

Kết quả nghiên cứu về tiềm năng cây dược liệu tại huyện Nam Đông, ở Vườn Quốc gia Bạch Mã thuộc địa bàn huyện, các nhà nghiên cứu đã điều tra khảo sát và xác định được 190 thành phần loài cây thuốc đặc hữu thuộc 82 học, 4 ngành của đồng bào dân tộc Ka Tu. Ngoài ra, còn có 10 loài gồm 50 cá thể trong vườn nhà dân ở Thượng Lộ, Nam Đông và tại Vườn Quốc gia Bạch Mã 30 loài với 300 cá thể.

anh man hinh 2024 03 03 luc 105002.png
Hướng đi mới từ cây dược liệu dưới tán rừng ở vùng núi Nam Đông.

Theo các đánh giá, việc lựa chọn loài dược liệu quý phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội huyện Nam Đông sẽ góp phần thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giúp người dân cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập từ dược liệu. Một số cây đặc hữu, thế mạnh của Nam Đông được xác định đó là: khôi tía, chè dây, xuyên tiêu, dây gắm, dây chiều, gừng gió, nghệ đen, hà thủ ô trắng. 

Nam Đông là huyện có ưu thế phát triển du lịch và phát triển dược liệu. Tuy nhiên đến nay, việc phát triển dược liệu còn đang ở mức độ hạn chế. Bên cạnh đó, quy mô trồng dược liệu nhỏ, có tính chất tự phát, ít liên kết với công ty. Người dân chưa áp dụng đồng bộ các quy trình trồng, phát triển dược liệu theo tiêu chuẩn GACP - WHO...

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, cần xây dựng các mô hình khép kín từ nuôi, trồng dược liệu đến sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu. Từng bước phát triển ngành dược liệu theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Giải pháp, định hướng phát triển dược liệu tại huyện Nam Đông cũng cần được đánh giá đúng tiềm năng của địa phương, không chạy theo phong trào. Đồng thời kết hợp tốt với khai thác lợi thế của các vùng du lịch của Nam Đông.

Khánh Vy