Uỷ ban Quản lý vốn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Uỷ ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty diễn ra chiều 6/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao hoạt động của Uỷ ban và các tập đoàn, tổng công ty trong năm 2024 và khẳng định Uỷ ban đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm qua. 

Phó Thủ tướng đánh giá cao những doanh nghiệp thua lỗ nhưng đã vươn lên. Những dự án trọng điểm đã được thi công rất nhanh, chẳng hạn như EVN đã hoàn thành dự án đường điện 500kV mạch 3 được cho là kỳ tích. 

W-Hồ Đức Phơcs.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo Nghị quyết 18-NQ/TW của BCH Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng cho rằng để các tập đoàn, tổng công ty chủ động trong sản xuất kinh doanh thì mới tạo sự cạnh tranh bình đẳng với khu vực tư nhân, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc cơ cấu bộ máy nhiều tầng lớp không có sự phối hợp đồng bộ, dẫn đến khó khăn, bất cập trong quản lý. Do đó, việc Uỷ ban thực hiện theo yêu cầu của Nghị quyết 18 sẽ giúp doanh nghiệp thực sự lớn mạnh, tạo sự đột phá như tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. 

“Quan điểm là đưa các doanh nghiệp về các bộ, ngành, nhưng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý vốn như thế nào để được hiệu quả nhất. Đây là vấn đề sẽ được làm và phải làm rất nhanh, trước ngày 25/2 sẽ phải hoàn thành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban thực hiện việc sáp nhập, chia tách một cách khoa học, hiệu quả nhất, tránh xáo trộn, tránh tâm lý hoang mang trong cán bộ nhân viên.

Theo Phó Thủ tướng, công việc của các đơn vị không thể gián đoạn, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước thực sự là “quả đấm thép”, thu hút nguồn lực. Yêu cầu này chúng ta phải đoàn kết một lòng để thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, phát triển, thực hiện quyết liệt, thực chất có hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo điều kiện và lộ trình phù hợp.

Ông Hoàng Anh cũng khẳng định Uỷ ban thống nhất cao với chủ trương của Trung ương Đảng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18. Theo đó Uỷ ban sẽ kết thúc hoạt động chức năng quản lý vốn nhà nước. 

W-Nguyễn Hoàng Anh.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Ảnh: Thanh Tuấn

“Uỷ ban đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Chính phủ. Tuần tới Uỷ ban sẽ xin ý kiến Thủ tướng trước khi họp với các Bộ, ngành. Dù với vị trí nào thì các cán bộ nhân viên trong các tập đoàn, tổng công ty vẫn luôn nỗ lực cao”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói. “Chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng sắp xếp cán bộ nhân viên về các cơ quan của Chính phủ để tạo điều kiện cho anh em tiếp tục được cống hiến cho sự nghiệp của Đảng và Nhà nước”.

Hơn 5 năm không phát sinh tham nhũng, tiêu cực 

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, đến nay, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Uỷ ban quản lý đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Tổng nộp NSNN giai đoạn 2018-2023 đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu NSNN hàng năm của cả nước.

Một số doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm hoặc có nguy cơ thua lỗ khi chuyển giao về Ủy ban, sau khi quá trình tái cơ cấu, kiện toàn thay thế cán bộ lãnh đạo chủ chốt đến nay đều hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, các Tổng công ty: Đầu tư và phát triển đường cao tốc, Hàng hải Việt Nam, Lương thực Miền Nam, Cà phê Việt Nam, Đường sắt Việt Nam... 

Tổng giá trị đầu tư giai đoạn 2018-2023 của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 777 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông, viễn thông…

Các dự án bị chậm tiến độ nhiều năm trước khi chuyển giao về Ủy ban cũng đã được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai. 

Các dự án lớn còn tồn tại, vướng mắc nhiều năm của các doanh nghiệp trước khi chuyển giao về Ủy ban đã và đang được tích cực xử lý các vướng mắc, cụ thể như các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gồm: các dự án dầu khí đầu tư ra nước ngoài, Long Phú 1, Lô B, Ô Môn 3-4, Cá Voi Xanh… Các dự án của EVN gồm: Quảng Trạch 2; ĐZ 500 KV Lào Cai - Vĩnh Yên… Các dự án của TKV gồm: dự án Bauxite Tân Rai và Nhân Cơ; Sắt Thạch Khê; dự án khai thác than liên doanh với Vietmindo, dự án Cromit Cổ Định…

Uỷ ban cho biết còn tồn tại những hạn chế như: chưa thể hiện được sự vượt trội so với trước về tính chuyên nghiệp, hiệu quả, hoạt động còn mang tính chất hành chính; chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng ban đầu đặt ra với Ủy ban là ngay sau khi thành lập thì tạo ra bước đột phá trong quản lý một cách chuyên nghiệp và hiệu quả các tập đoàn, tổng công ty.

Nhắc lại lời của Tổng Bí thư Tô Lâm về mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, trong đó nổi bật lên là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và tinh gọn bộ máy, ông Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định Uỷ ban sẽ nghiêm túc thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW. Ông Cảnh cũng khẳng định các tập đoàn, tổng công ty sẽ tuân thủ tuyệt đối và không để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.