LTS: Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương đã quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy chính trị. Tuần Việt Nam đăng tải tuyến bài trao đổi với các chuyên gia gợi ý các giải pháp cho cuộc cách mạng này.

Bài 1: “Đảng cần tập hợp các chuyên gia tài giỏi làm chiến lược”

Bài 2: Việt Nam nên theo mô hình 3 cấp chính quyền

Trao đổi với Tuần Việt Nam, ông Nguyễn Văn Phúc, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp nói:

Trước hết, tôi rất ủng hộ chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy của Hệ thống chính trị nước ta do Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương khởi xướng và phát động mạnh mẽ và đúng lúc.

Đây thật sự là một cuộc cách mạng, mà đã là cách mạng thì sẽ tạo sự thay đổi rất lớn về chất để chuyển sang một thời kỳ phát triển mới cao hơn, rực rỡ hơn.

A58I3252.jpg
Ông Nguyễn Văn Phúc: Các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của cử tri, của Nhân dân luôn nhấn mạnh cần tăng chất lượng Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lê Anh Dũng

Với sự đồng thuận và chung tay của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân, với cách làm dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp, lắng nghe ý kiến xây dựng, xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học, "đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam", tham khảo các xu hướng phát triển mới thế giới, chắc chắn tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ được sẽ trở nên tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn.

Đồng thời việc này sẽ tiết kiệm được rất nhiều ngân sách Nhà nước đang chi cho bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay quá lớn, quá cồng kềnh, quá tốn kém.

Cuộc cách mạng này mang một tầm vóc to lớn, sẽ là dòng thác mạnh cuốn trôi tất cả những cản trở, những chần chừ, do dự, trì trệ. Tôi nhận thấy như vậy.

500 Đại biểu hay giảm xuống 400?

Theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, khi nói đến Quốc hội thì trước hết phải nói đến các vị đại biểu được bầu ra và hình thành nên Quốc hội. Ông nhìn nhận ra sao về số lượng Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) này trong không khí cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đang diễn ra hiện nay? 

Ông Nguyễn Văn Phúc: Tinh gọn tổ chức bộ máy của Quốc hội trước hết phải tính đến số lượng và cơ cấu, thành phần ĐBQH hình thành nên Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, gồm Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban Quốc hội.

Quốc hội khoá XV từ đầu nhiệm kỳ có 499 đại biểu thuộc các cơ cấu, thành phần khác nhau. Trong lịch sử có giai đoạn (1992-1997), Luật Bầu cử ĐBQH năm 1992 quy định rút số lượng ĐBQH xuống còn không quá 400 người nhằm nâng cao chất lượng đại biểu vì trong nhiều nhiệm kỳ với gần 500 đại biểu, Quốc hội nặng về cơ cấu, thành phần như Mặt trận.

Theo tôi, cần đặt vấn đề, Quốc hội nên giữ số lượng không quá 500 đại biểu như hiện nay hay giảm xuống không quá 400 đại biểu như từng có trước đây, và cho dù theo phương án nào trước hết cũng cần ưu tiên tăng số lượng các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện giới doanh nhân thực sự có trình độ, kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật, kinh tế, tài chính, công nghệ và các lĩnh vực khác trực tiếp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội.

Vì sao cần đặt vấn đề như vậy? Vì các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu của cử tri, của Nhân dân luôn nhấn mạnh cần tăng chất lượng ĐBQH. Theo kinh nghiệm và nhận thức của tôi từng phục vụ ở Quốc hội gần 40 năm thì chất lượng ĐBQH là yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Tăng tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng và ĐBQH tự ứng cử

Quốc hội chọn các vị đại biểu theo cơ cấu, thành phần? Đâu là những thuận lợi, hay khó khăn của việc này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Xét về cơ cấu, thành phần, Quốc hội Khoá XV từ đầu nhiệm kỳ có 97,2% đại biểu là Đảng viên, số còn lại 14 đại biểu chiếm 2,8% là người ngoài Đảng; đại đa số (61%) là các đại biểu kiêm nhiệm, 39% là các đại biểu chuyên trách; 59,32% đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu; đại biểu địa phương chiếm 60,32% so với đại biểu TW là 38,88%.

Trong khi đó, chỉ có 4 (0,8%) đại biểu tự ứng cử; đại diện tôn giáo có 5 đại biểu; rất nhiều đại biểu đang công tác trong các cơ quan của Đảng, cơ quan hành pháp và tư pháp, trong đó nhiều Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, đặc biệt có tới 38 Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ Thành phố trực thuộc TW. Ngoài ra, Quốc hội còn có các cơ cấu, thành phần khác.

Cơ cấu, thành phần trong Quốc hội là cần thiết, là thuận lợi vì Quốc hội đại diện cho các thành phần Nhân dân, ban hành luật, quyết định các vấn đề và thực hiện giám sát trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Nhưng cơ cấu, thành phần phải xoay xung quanh chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và các cơ quan Quốc hội, khi mà hầu hết các ĐBQH cần được bố trí làm thành viên Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban Quốc hội, là lực lượng nòng cốt làm việc thường xuyên, góp phần quan trọng quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Cho tới nay, ngoài các kỳ họp Quốc hội, lực lượng làm việc chủ yếu tại Quốc hội vẫn là các ĐBQH chuyên trách, nhưng đáng tiếc, một số trong đó chưa chuyên nghiệp, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác đại biểu.

Chuyên nghiệp sao được, kinh nghiệm sao được khi đa số ĐBQH Khoá XV lần đầu tham gia Quốc hội, còn số ĐBQH chuyên trách của các khoá trước đến tuổi 60 - 62 (trừ Uỷ viên BCHTW), không được tiếp tục giới thiệu để có thể tái cử. Bởi lẽ, ĐBQH chuyên trách cũng phải theo chế độ chung của cán bộ, công chức mà không có chế độ đặc thù.

Các ĐBQH kiêm nhiệm công tác trong các cơ quan hành pháp và tư pháp là nguồn bổ sung thực tiễn quan trọng cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội hiện nay, tuy nhiên số lượng vẫn còn nhiều nên cần phải giảm theo Nghị quyết 27 của BCHTW. Khi đại diện của cơ quan chịu sự thẩm tra, giám sát làm đại biểu của cơ quan thẩm tra, giám sát sẽ có nguy cơ không khách quan và xung đột lợi ích.

202411301412412303 z6083839694017 5062b07df9850d70756a6c9d74f6b22b 1 80040.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật Dữ liệu ngày 30/11/2024. Ảnh: Quốc hội

Số ĐBQH là Bí thư Tỉnh uỷ hiện là 38 người tới đây cũng nên giảm nhiều vì các đại biểu này khó có thể dành đủ thời gian theo quy định cho Quốc hội do họ vừa làm nhiệm vụ của Uỷ viên BCHTW, giữ trọng trách lãnh đạo địa phương, một số còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐND tỉnh.

Nói chung, các thành phần có tính chất Mặt trận nên được cơ cấu tham gia Uỷ ban Trung ương và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN mà không nên cơ cấu nhiều vào Quốc hội trong bối cảnh Quốc hội thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn, chuyên sâu, làm việc ngày càng thường xuyên, theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Thay các vị trí nói trên là các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện giới doanh nhân (có thể thông qua các tổ chức xã hội - nghề nghiệp), theo đó, cần tăng tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng và ĐBQH tự ứng cử.

Chúng ta đều biết sinh thời, Bác Hồ đã giới thiệu cả những trí thức lớn ngoài Đảng làm ĐBQH và giữ các chức vụ cao trong Chính phủ. Thậm chí năm 1960, khi các cơ quan liên quan đề nghị kết nạp Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên vào Đảng, Bác Hồ đã góp ý rằng: “Để chú Huyên ở ngoài Đảng có lợi hơn là ở trong Đảng”.

Thưa ông, Bộ trưởng có nên là Đại biểu Quốc hội hay không?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà, nay là Phó Thủ tướng Chính phủ cũng là Đại biểu Quốc hội. Qua một nhiệm kỳ làm Bộ trưởng đồng thời là ĐBQH, ông đã khẳng định, Bộ trưởng rất bận việc quản lý, điều hành, không nên kiêm nhiệm ĐBQH. Điều ông Trần Hồng Hà khẳng định cũng phù hợp với Nghị quyết 27 của BCHTW về việc giảm số ĐBQH thuộc cơ quan hành pháp.

Một số người cho rằng, Bộ trưởng thuộc cơ quan hành pháp nên không được kiêm nhiệm ĐBQH như ở các nước. Điều này không hoàn toàn chính xác. Trên thế giới, ở Mỹ và các nước theo mô hình tổ chức Quốc hội và Chính phủ kiểu Mỹ thì Bộ trưởng không được đồng thời là ĐBQH. Ngược lại, ở Anh và các nước theo mô hình tổ chức Quốc hội và Chính phủ kiểu Anh, muốn trở thành Bộ trưởng trước tiên phải là ĐBQH. 

Ở nước ta, theo quy định của của các Hiến pháp trước đây và Hiến pháp năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phải là ĐBQH vì Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, các thành viên khác của Chính phủ trong đó có Bộ trưởng không nhất thiết phải là ĐBQH, nhưng cũng không bị cấm kiêm nhiệm ĐBQH.

Do đó, trong nhiều khoá, rất nhiều Bộ trưởng đồng thời là ĐBQH, nhưng trong các khoá gần đây đã giảm dần.

Nếu bây giờ, trong Chính phủ chỉ có Thủ tướng là Đại biểu Quốc hội, còn các thành viên khác trong đó có các Bộ trưởng không phải là đại biểu Quốc hội cũng đúng với Hiến pháp. Tuy không làm ĐBQH nhưng các Bộ trưởng vẫn được mời và có trách nhiệm tham dự các phiên họp của Quốc hội để báo cáo, giải trình khi Quốc hội yêu cầu và trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Tuy nhiên, với đặc thù của mô hình tổ chức nhà nước ở nước ta thì cùng với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Tổng Thanh tra Chính phủ nên là ĐBQH.

Đối với các Bộ trưởng đồng thời là ĐBQH ngoài nguy cơ không khách quan và xung đột lợi ích như nói ở trên thì thời gian dành cho Quốc hội là một vấn đề lớn. 

Tôi biết, có những Bộ trưởng không thể dự đầy đủ các phiên họp tổ và phiên họp toàn thể của kỳ họp Quốc hội kéo dài khoảng một tháng như các ĐBQH khác, hoặc nếu có đến dự thì cũng tranh thủ ngồi làm công việc của Bộ mình. 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An có lần tâm sự rất thật rằng, hồi ông làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương đồng thời là ĐBQH, khi tham dự các phiên họp toàn thể của Quốc hội, có những buổi ông tập trung nghe nhưng có những buổi ông phải ngồi đọc, xử lý văn bản của cơ quan.

Từ các câu chuyện nói trên cần phải thiết kế tổ chức và hoạt động của Quốc hội với mô hình đa số ĐBQH kiêm nhiệm, trong đó có nhiều đại biểu giữ các trọng trách trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước sao cho hợp lý, hài hoà.

Chẳng hạn, tăng các cuộc thảo luận, lấy ý kiến trước tại địa phương, tăng số lượng Hội nghị ĐBQH chuyên trách mở rộng, lấy ý kiến các ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở TW bằng văn bản hoặc online, kiên quyết chỉ thảo luận tại phiên họp toàn thể những vấn đề lớn và những vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau về chính sách, những vấn đề kỹ thuật, từ ngữ đề nghị các ĐBQH gửi lại Tổng Thư ký để rút gọn và rút bớt các phiên họp toàn thể, tiết kiệm được thời gian mà vẫn bảo đảm chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

‘Tránh bao biện, làm thay, hoặc tồn tại song trùng’

‘Tránh bao biện, làm thay, hoặc tồn tại song trùng’

Khi nói chuyện chuyên đề với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm rõ một số giải pháp chiến lược để đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.
Sự thúc bách của ‘cuộc cách mạng’

Sự thúc bách của ‘cuộc cách mạng’

“Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị”.