Tàu ngầm hạt nhân USS Michigan từng mang kho tên lửa có sức công phá bằng tất cả số bom đạn trong Thế chiến 2, đủ sức hủy diệt hoàn toàn một lục địa trong chốc lát.

Hôm 25/4, USS Michigan đã có mặt tại Hàn Quốc. Báo Chosun Ilbo cho biết, việc Mỹ đưa tàu ngầm hạt nhân đến khu vực là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất nhằm vào Triều Tiên, trong bối cảnh Bình Nhưỡng có thể thử hạt nhân lần 6.

{keywords}

Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio, USS Michigan

Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói Washington đang gửi hạm đội mạnh mẽ, không chỉ có tàu sân bay mà còn cả tàu ngầm hạt nhân đến khu vực. "Chúng tôi đang gửi một hạm đội, rất uy lực. Chúng tôi có tàu ngầm, tàu ngầm rất mạnh, mạnh hơn nhiều so với tàu sân bay:, ông tuyên bố.

Khi ấy, giới phân tích đã nhắc đến sự xuất hiện của tàu sân bay hạt nhân lớp Ohio ở bán đảo Triều Tiên. USS Michigan cập cảng Hàn Quốc ngày 25/4 chính là lớp tàu này.

Từng là tàu ngầm sở hữu tên lửa hạt nhân

{keywords}

Tên lửa Trident II phóng từ tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio.

USS Michigan (SSBN-727/SSGN-727) là chiếc thứ hai thuộc lớp tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Ohio.

Con tàu được khởi đóng ngày 28/2/1975, hạ thủy ngày 4/4/1977 và chính thức đi vào hoạt động ngày 11/9/1982. USS Michigan có lượng giãn nước tối đa 18.750 tấn khi lặn, dài 170 mét, rộng 13 mét.

Tàu được trang bị một lò phản ứng hạt nhân S8G PWR cung cấp năng lượng cho 2 turbine, đi kèm với 1 động cơ phụ trợ có công suất 325 mã lực. Tổng công suất động cơ lên tới 60.000 mã lực.

USS Michigan đạt tốc độ tối đa khi lặn lên tới 46 km/giờ, độ sâu 240m, tầm hoạt động không giới hạn, phụ thuộc vào lượng thực phẩm mang theo để phục vụ cho thủy thủ đoàn gồm 15 sĩ quan và 140 thủy thủ.

Ban đầu, USS Michigan được thiết kế với vai trò tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (SSBN). Do đó, tàu được trang bị 24 tên lửa Trident II tầm bắn 11.300 km, mang theo đầu đạn hạt nhân W76 hoặc W88 có đương lượng nổ 300 - 400 kT.

Kho tên lửa này được đánh giá có sức công phá bằng tất cả số bom đạn trong thế chiến thứ hai, đủ sức hủy diệt hoàn toàn một lục địa trong chốc lát.

Trident II là loại tên lửa chiến lược, chuyên dùng để hủy diệt các mục tiêu quan trọng như những thành phố lớn, trung tâm kinh tế chính trị, căn cứ quân sự của đối phương.

Trở thành tàu ngầm chuyên phóng tên lửa Tomahawk

Năm 1994, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giới chức Mỹ quyết định cắt giảm số tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. Tuy nhiên, 4 chiếc bao gồm USS Michigan không bị loại biên mà được hoán cải thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk, phiên bản tấn công đất liền.

Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio bao gồm Ohio, Florida, Michigan, Georgia lần lượt được thay lò phản ứng hạt nhân, cải tạo ống phóng tên lửa và gắn thêm các thiết bị phục vụ đơn vị đặc nhiệm hải quân. Quá trình nâng cấp hoàn tất vào năm 2007, tiêu tốn từ 500-900 triệu USD.

{keywords}

USS Michigan có thể mang tối đa 154 quả tên lửa Tomahawk.

Sau khi trải qua nâng cấp, USS Michigan vẫn duy trì 24 ống phóng tên lửa, nhưng 22 ống được gắn module hình trụ chứa 7 quả tên lửa Tomahawk, tối đa 154 quả.

Hai ống phóng còn lại đảm nhiệm việc phóng các tàu lặn chứa tối đa 66 người lính đặc nhiệm SEAL hoặc các tàu lặn tự hành mini, phao thủy âm, thiết bị cảm biến.

Tàu ngầm lớp Ohio cải tiến mang tên lửa Tomahawk được xem là câu trả lời cho chiến thuật chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc và Nga. Tàu sử dụng tên lửa hành trình chiến thuật, tuy không có sức hủy diệt trên diện rộng nhưng có thể đánh trúng chính xác mọi mục tiêu từ xa, phù hợp với môi trường tác chiến hiện đại.

Tên lửa Tomahawk trang bị trên tàu ngầm USS Michigan có tầm bắn từ 1.300km (BGM-109D) cho đến 2.500km (BGM-109A). Tên lửa Tomahawk có thể được trang đầu đạn nổ thông thường nặng 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân W80 và đầu đạn chùm, tùy thuộc vào mục đích sử dụng.

Năm 2011, một tàu ngầm hạt nhân khác thuộc lớp Ohio là  USS Florida đã tham gia chiến dịch Bình minh Odyssey, tấn công Libya nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Chỉ riêng tàu USS Florida đã phóng 93 quả tên lửa vào Libya.

Đợt "bão lửa" này đã phá hủy các dàn hỏa lực phòng không và sân bay của Libya, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ và máy bay ném bom chiến lược B-2 oanh tạc. Đây là lần đầu tiên tàu ngầm lớp Ohio tham chiến bằng tên lửa hành trình Tomahawk.

Carl Schuster, Giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii, cựu giám đốc chiến dịch tại Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương nhận định, "USS Michigan không cần phải áp sát bán đảo Triều Tiên mà có thể âm thầm hoạt động ở vùng biển Nhật Bản".

"Tàu ngầm hạt nhân thường hoạt động ở vùng biển sâu, nơi có không gian rộng lớn để phóng tên lửa từ xa, hay né tránh đối phương nếu có tình huống xấu xảy ra", vị giáo sư nói thêm.

Theo Dân Việt