Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, các hãng chuyển phát DHL, Fedex... là những "điểm nóng" bị đối tượng buôn lậu lợi dụng. Ảnh Internet

Theo nguồn tin từ Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2018, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát phát hiện, bắt giữ 632, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính gần 92 tỷ đồng, chủ yếu tạicác địa bàn nóng như sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; bưu điện Hà Nội, TP.HCM và cả các hãng chuyển phát nhanh DHL, Fedex…

Hàng hóa buôn lậu chủ yếu là hàng cấm, hàng nhỏ gọn có giá trị cao, dễ cất giấu như vàng, điện thoại di động, vũ khí, ma túy, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm…

Đối tượng thường là hành khách xuất nhập cảnh nhiều lần không rõ mục đích chuyến đi; cá nhân, tổ chức gửi hoặc nhận hàng bưu phẩm, bưu kiện, quà biếu với số lượng lớn...

Hàng hóa thường được các đối tượng ngụy trang trong một loại hàng hóa khác đặt trong hành lý mang theo khi nhập cảnh; thuê người vận chuyển thay; lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh để buôn hàng cấm và hàng nhập khẩu có điều kiện.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng nhận định tuyến đường biển, cảng sông quốc tế cũng “nóng” về tình hình buôn lậu với trọng điểm vẫn là khu vực cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng biển Đông Bắc và Miền Trung.

Đây là tuyến đường có lưu lượng hàng hóa rất lớn nên cũng là tuyến đường dễ bị các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa về Việt Nam. Mặt hàng gồm thiết bị điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đã qua sử dụng, đường, thuốc lá, sữa, mỹ phẩm…

Đối tượng vi phạm thường là doanh nghiệp, đại lý cho các hãng tàu và kinh doanh vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu; các doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan; các công ty mới thành lập hoạt động không thường xuyên.

Lợi dụng hình thức “quá cảnh”, “trung chuyển”, “tạm nhập tái xuất” để nhập lậu hàng hóa, làm thủ tục quá cảnh để vận chuyển lô hàng ra khỏi cảng sau đó lại đưa vào tiêu thụ nội địa; thành lập những doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục hải quan; khai báo sai về tên hàng, mã số thuế, xuất xứ, số lượng, chất lượng, trị giá.

Thậm chí, sửa chữa, giả mạo hồ sơ, chứng từ; thường xuyên đăng ký kiểm tra vào giờ cao điểm; mượn tên doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan để làm thủ tục. Các đối tượng sẵn sàng từ chối nhận hàng hoặc bỏ hàng nếu bị phát hiện là hàng cấm.

Trước thực tế trên, năm 2019, ngành hải quan tiếp tục gia tăng giám sát tuyến hàng không, bưu điện nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế nhà nước, trọng điểm sẽ nhắm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao.

Ngoài ra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép, xuất nhập cảnh nhiều lần với mục đích không rõ ràng nhằm chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời.