Trước đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng ký Quyết định số 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, kinh tế biển giữ vai trò quan trọng, bảo vệ môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ xuyên suốt được Bình Định nêu rõ trong quy hoạch.

Đặt biển và hải đảo vào trọng tâm khai thác và bảo vệ

Theo Quyết định số 1619, phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Bình Định và phần không gian biển được xác định theo Luật biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Kinh tế của Bình Định sẽ đi theo hướng bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm cao của cả nước.

Cụ thể về kinh tế, Bình Định phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt từ 8,5% trở lên, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân 7 - 7,5%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 9,8% - 10,8%/năm (giá so sánh 2010). GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người (tương đương khoảng 7.500 - 7.900 USD).

Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,5 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2050, Bình Định phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Để đạt được những mục tiêu tham vọng nói trên, Bình Định đã đặt kinh tế biển làm nòng cốt; biển và hải đảo làm trọng tâm. Các ngành như nuôi biển, du lịch biển, năng lượng tái tạo đều xoay quanh yếu tố biển. Ví dụ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch sẽ được Bình Định tập trung phát triển điện gió ven bờ, điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện sinh khối…

Bên cạnh đó các lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển, sản xuất thiết bị phụ trợ điện gió… cũng được phát triển, nhưng đi theo hướng bảo vệ môi trường áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, áp dụng chuyển đổi số trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Bình Định sẽ có khu du lịch quốc gia thứ 8 của Việt Nam

Theo quy hoạch tỉnh Bình Định được định hướng trở thành điểm đến du lịch đẳng cấp, hiện đại, xanh, an toàn, thân thiện và giàu bản sắc văn hóa. Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu lượt/năm, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Đáng chú ý, theo quy hoạch trên, khu vực Phương Mai - Núi Bà ở Bình Định được định hướng đầu tư để trở thành khu du lịch quốc gia thứ 8 của Việt Nam.

cong bo quy hoach binh dinh.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bán đảo Phương Mai nằm ở đông bắc TP Quy Nhơn, vốn là nơi hoang vu, nhưng 10 năm qua đang dần nổi lên trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn và đang là điểm đến có sức hút đối với khách du lịch. Với vị trí địa lý thuận lợi (phía đông đầm Thị Nại), bán đảo Phương Mai như một tấm bình phong án ngữ hướng biển cho thành phố Quy Nhơn. Đây là một vùng núi thấp, cao nhất là đỉnh núi Đen cao 361 m và một số đỉnh khác như: Hòn Mai, Diệp Chữ…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Trước kia bán đảo Phương Mai ít được biết đến nhưng từ khi Quy Nhơn xây dựng 6 cây cầu qua đầm Thị Nại, trong đó cầu Thị Nại (cầu vượt biển dài thứ hai ở Việt Nam dài khoảng 2.470 m, nối liền khu kinh tế Nhơn Hội với thành phố Quy Nhơn) thì du lịch Bình Định nói chung, khu vực bán đảo Phương Mai nói riêng trở lên sôi động hơn.

“Bán đảo Phương Mai có núi, biển, đảo, nhiều bãi tắm hoang sơ trong xanh, cồn cát trải dài, rạn san hô tuyệt đẹp, những làng chài bình yên, và còn ẩn giấu những di tích kỳ bí. Các đồi cát ở Phương Mai được cho là lý tưởng để chơi trượt cát như của Phan Thiết (Bình Thuận) bởi chiều cao từ 20 m, nơi cao nhất đến 100 m so với mực nước biển và độ dốc vừa phải. Các đồi cát đẹp chủ yếu nằm dọc hai bên Quốc lộ 19B.  

Khu bán đảo Phương Mai còn có nhiều đặc sản nổi tiếng của Bình Định như: cua huỳnh đế, chả ram tôm đất, lẩu tôm hùm, nhum biển, bào ngư nướng mỡ hành, ốc vú nàng, bún chả cá, bánh hỏi lòng heo… Di tích lịch sử và thắng cảnh khu căn cứ Núi Bà gần đó được xếp hạng quốc gia năm 1994  (với 22 điểm di tích) chắc chắn sẽ là thỏi nam châm thu hút du khách của Bình Định trong thời gian tới”, ông Tuấn tin tưởng.

Được biết, Việt Nam hiện có 7 khu du lịch quốc gia gồm: Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh), Mũi Né (Bình Thuận), Đền Hùng (Phú Thọ), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Như vậy, nếu Phương Mai - Núi Bà ở Bình Định được đầu tư thì đây sẽ là khu du lịch quốc gia thứ 8 của Việt Nam trong tương lai không xa.

Bình Minh và nhóm PV, BTV