Tại Suối Giàng, xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Yên Bái, qua rà soát năm 2024 xã còn 195 hộ nghèo đa chiều (138 hộ nghèo và 57 hộ cận nghèo), chiếm 24,16%. 

Lãnh đạo xã Suối Giàng cho biết tăng tốc ngay từ đầu năm, xã đã chủ động rà soát, xác định nguyên nhân nghèo để xây dựng kế hoạch phù hợp, sát với thực tế, đảm bảo chi tiết về nội dung, nhiệm vụ, tiến độ hỗ trợ giảm nghèo gắn với từng hộ gia đình.

Xã linh hoạt vận dụng tổng lực nguồn vốn từ các chương trình, dự án, tích cực huy động nguồn xã hội hóa để tạo sinh kế, hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch... Năm nay, xã đặt nhiệm vụ khuyến khích người nghèo nâng cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động thoát nghèo lên tầm cao mới. Xã Suối Giàng quyết tâm giảm 91 hộ nghèo, đưa tỷ lệ nghèo đa chiều xuống dưới 13%, bám lộ trình, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm.

W-giam ngheo dan toc.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc được quan tâm giải quyết việc làm.

Tại xã Nậm Lành, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, xã chủ động rà soát, thống kê, đánh giá thực trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn, xác định nguyên nhân nghèo và nhu cầu cần hỗ trợ thoát nghèo của người dân. Đầu năm nay, xã còn 66 hộ nghèo, 13 hộ cận nghèo. 

Năm 2024, gia đình anh Triệu Văn Hín, thôn Tà Lành trở thành hộ mới thoát nghèo sau bao năm cái nghèo đeo bám. Để giảm nghèo bền vững, đa chiều, từ sinh kế và hỗ trợ của Nhà nước được thụ hưởng năm ngoái, gia đình anh kiên trì, chăm chỉ tiếp tục chăm sóc và phát triển trên 1ha quế, trên 3.000m2 lúa nước và chăn nuôi gia cầm.  

Trước đó, gia đình anh Hín được hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà ở kiên cố. Có nhà mới, vợ chồng anh yên tâm phát triển kinh tế, trồng lúa, trồng quế, bán có tiền, anh có điều kiện chăm sóc, nuôi con ăn học đầy đủ, nâng cao chất lượng sống.

Văn Chấn là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, có tới 50% xã đặc biệt khó khăn, giảm nghèo đa chiều là nhiệm vụ được huyện quan tâm triển khai bằng nhiều hình thức. Trong đó, huyện xác định đào tạo nghề gắn với tạo việc làm là giải pháp giảm nghèo bền vững hàng đầu. 

Theo kế hoạch, năm 2024, huyện phấn đấu đào tạo nghề cho 520 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; số lao động được tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm 676 người; số lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là 145 người.

Để thực hiện mục tiêu này, huyện triển khai phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, thu hút học sinh tham gia học nghề ở các cấp trình độ, đặc biệt là trình độ cao đẳng và trung cấp; Tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chú trọng giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp, việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động cũng được huyện chú trọng song song với hoạt động tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động. Huyện khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở dạy nghề, công ty doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong công tác đào tạo nghề, tuyển dụng lao động trên địa bàn. 

Sáu tháng đầu năm 2024, trong số hơn 1.800 người được đào tạo nghề, có rất nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thực tế, việc tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ góp phần nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Ở Văn Chấn, nhiều học viên sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư vốn mở rộng sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mới, mang lại việc làm và thu nhập, nhất là với nghề xây dựng, may dân dụng, sửa chữa điện dân dụng... 

Tại Văn Chấn, người nghèo, cận nghèo từng bước được hỗ trợ từ vốn, giống cây trồng vật nuôi cùng các kiến thức cập nhật để đổi mới phương thức sản xuất, chuyển đổi kế hoạch sản xuất. Người nghèo nơi đây được tiếp cận đa dạng sinh kế, nâng cao mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Điều này đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại huyện vùng cao này từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Năm 2023, huyện Văn Chấn đã giảm được 1.848 hộ nghèo và cận nghèo, đưa tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm còn 16,35%. Trong năm nay, huyện Văn Chấn quyết tâm giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống còn 10,29%, tương đương giảm 1.877 hộ nghèo và cận nghèo.