Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (kiểm định xe cơ giới) từng bước ổn định, đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân, doanh nghiệp.

Đăng kiem 28.2.jpg
Bộ GTVT yêu cầu ngăn chặn sớm tiêu cực trong đăng kiểm. Ảnh: N. Huyền 

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ GTVT thấy vẫn còn một số tồn tại, thiếu sót trong hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm định xe cơ giới, Bộ GTVT yêu cầu Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình để kịp thời tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phòng ngừa tiêu cực và nâng cao chất lượng kiểm định xe cơ giới.

Cùng với đó là phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát, kịp thời tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan công tác kiểm định xe cơ giới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tiếp tục rà soát, tham mưu ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan công tác kiểm định xe cơ giới cho phù hợp thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch; nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới.

Đặc biệt, Bộ cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động nhận diện các nội dung, lĩnh vực được giao quản lý có nguy cơ tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực, trong đó có hoạt động kiểm định xe cơ giới để tăng cường công tác kiểm tra nhằm phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm trước Ban Cán sự Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng -  Bộ trưởng Bộ GTVT nếu không kịp thời phát hiện những vấn đề nổi cộm, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực.

Đối với các Sở GTVT, Bộ GTVT yêu cầu chủ động nghiên cứu, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam trong quản lý hoạt động kiểm định xe cơ giới.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kiểm định xe cơ giới trên địa bàn.

Sở GTVT cũng có trách nhiệm thường xuyên truy cập, khai thác dữ liệu hình ảnh camera giám sát hoạt động kiểm định để phục vụ công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định pháp luật về kiểm định xe cơ giới, đặc biệt là việc duy trì, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định; tuân thủ nghiêm quy định, quy trình kiểm định phương tiện; tích cực phòng, chống tiêu cực trong hoạt động kiểm định phương tiện tại đơn vị.

Theo thống kê, cả nước có 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, số người bị khởi tố vẫn đang tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định là 291 người. Trong đó, Hà Nội có 113 đăng kiểm viên bị khởi tố đang làm việc, TP.HCM là 54 người.

Dự kiến ngày 18/7, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử 254 bị cáo liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng...