Là huyện miền núi, hải đảo nằm ở phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, Vân Đồn có diện tích đất tự nhiên trên 2.000km2, trong đó 551,3km2 đất nổi, với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Những năm qua, Vân Đồn đã tập trung mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, tận dụng thế mạnh và đang từng bước chuyển mình khởi sắc, ngày càng hiện đại và văn minh hơn.

Đột phá về hạ tầng giao thông

Một trong những dấu ấn quan trọng, tạo đột phá cho Vân Đồn là hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng, đồng bộ, hiện đại bậc nhất tỉnh. Nhiều công trình giao thông lớn được hoàn thiện, trở thành biểu tượng cho sự phát triển năng động, sáng tạo. 

Năm 2005, cầu Vân Đồn được đưa vào sử dụng đã kết nối huyện đảo với đất liền. Cuối năm 2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng đi vào hoạt động đã “mở cửa bầu trời”, “đón thế giới” đến Quảng Ninh. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn không chỉ thu hút du khách trong và ngoài nước đến địa phương mà còn góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH của huyện, của tỉnh và cả vùng Đông Bắc.

sanbayvd.jpg
Sân bay Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay khu vực hàng đầu châu Á”

Cú bứt phá về hạ tầng giao thông phải kể đến những tuyến cao tốc hiện đại, tươi đẹp liên tiếp được xây dựng và đưa vào sử dụng: cao tốc Hạ Long - Móng Cái rút ngắn khoảng cách Hạ Long - Vân Đồn từ 90 phút xuống còn 50 phút, cao tốc Móng Cái - Vân Đồn với thời gian di chuyển từ 120 phút xuống còn 50 phút. Đặc biệt, tuyến cao tốc dài gần 200km Hải Phòng - Móng Cái dọc tỉnh Quảng Ninh chọn Vân Đồn là trung tâm kết nối. Rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội - Vân Đồn từ 5 tiếng xuống còn 2h30 phút, tuyến cao tốc đã tạo mạch giao thông thông suốt kết nối các tỉnh với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, góp phần tạo thế và lực mới cho KTT Vân Đồn.

cao toc vd mc.jpg
Cao tốc với những cung đường đẹp không góc chết

Đặc biệt, Bến cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha đã được đưa vào hoạt động giúp rút ngắn thời gian đưa du khách ra các tuyến đảo của huyện Vân Đồn, Cô Tô và trở thành cửa ngõ hiện đại của vịnh Bái Tử Long, cũng như hoạt động du lịch biển đảo.

Khu kinh tế biển chuyển động mạnh mẽ

Sau nhiều năm dành nguồn lực đầu tư và xúc tiến, tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đến nay, KKT Vân Đồn có 64 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn 62.900 tỷ đồng; trong đó có 61 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 62.683 tỷ đồng; 3 dự án FDI với số vốn 226 tỷ đồng.

KKT Vân Đồn quy tụ nhiều dự án tiêu biểu như Bến cảng cao cấp Ao Tiên vốn đầu tư 613,3 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí Crystal Holidays Harbor Vân Đồn vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn tương tác hoạt động du lịch vốn đầu tư trên 24.800 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải vốn đầu tư trên 1.300 tỷ đồng; Khu đô thị mới phía Đông Bắc cảng Cái Rồng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng; hồ chứa nước Đồng Dọng vốn đầu tư trên 700 tỷ đồng. 

vân đồn.jpg
Vân Đồn sở hữu nhiều lợi thế trong cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp

Nhiều dự án đã và đang hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023 như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Vân Hải, khách sạn Whyndham Garden Sonasea Vân Đồn, cụm công nghiệp Vân Đồn...

Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân của Vân Đồn đạt 27,4%/năm, vượt 2,3% chỉ tiêu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong giá trị sản xuất (tỷ trọng dịch vụ chiếm 30,1%; công nghiệp - xây dựng chiếm 51,6%; nông, lâm, thủy sản chiếm 18,3%).

Vân Đồn đã về đích huyện nông thôn mới năm 2022, đặt mục tiêu năm 2023 nâng lên nông thôn mới nâng cao. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện có bước phát triển khá toàn diện. Ngành giáo dục phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; phổ cập xoá mù chữ mức độ 2. Mạng lưới phòng bệnh, khám, chữa bệnh được phủ rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được nâng cấp, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh cũng như đời sống của người dân địa phương ngày càng được nâng cao… 

Hướng tới đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu Vân Đồn trở thành đô thị loại III đến năm 2025 và đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững; đạt tiêu chí đô thị loại II, chất lượng hạ tầng loại I đến năm 2030.

Quảng Ninh cũng đặt mục tiêu đến năm 2040, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á-Thái Bình Dương; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực, bảo đảm môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường. Đồng thời xây dựng khu vực này trở thành trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên…

Huyện Vân Đồn hôm nay như con tàu lớn đã và đang rẽ sóng nước trong hành trình mới, hành trình của trí tuệ, phát huy tiềm năng, không ngừng phát triển, trên đà trở thành một khu kinh tế biển vươn tầm quốc tế.  

Nguyễn Thị Trà My, Hà Ngọc Dũng, Nguyễn Thị Diệu Bình, Bạch Thị Hân