Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, một số nước như Nhật Bản, Singapore… đã có những chính sách hay nhằm phát triển hệ thống nhà vệ sinh công cộng, coi đó là sản phẩm văn hóa du lịch, đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Singapore: Nhà vệ sinh công cộng là thước đo văn hóa người dân
Tại Singapore, nhà vệ sinh công cộng được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ… Bộ luật về sức khỏe môi trường của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore quy định các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài (thường đặt ở siêu thị, chợ, nơi ăn uống, trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu du lịch, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, ga xe điện ngầm, sân vận động, hồ bơi công cộng...). Việc dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ nhà vệ sinh công cộng ở Singapore được thực hiện hằng ngày, theo trình tự giúp ngăn ngừa sai sót trong quá trình làm sạch.
Nhà vệ sinh phải cung cấp các vật dụng cần thiết như bồn rửa tay, xà phòng hay bình nước xà phòng, phải có tối thiểu một máy sấy khô tay hoặc khăn giấy và thùng rác đặt gần bồn rửa tay.
Khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng, nếu không xả nước có thể bị phạt tới 150 USD (hơn 3 triệu đồng). Trong các thang máy còn lắp thiết bị cảm ứng mùi nước tiểu. Nếu ai đi tiểu trong thang máy, thiết bị này sẽ rung chuông báo động và đóng cửa thang cho tới khi cảnh sát tới.
Năm 1996, Thủ tướng Singapore khi đó là ông Goh Chok Tong tuyên bố: Tình trạng nhà vệ sinh công cộng của đất nước là thước đo văn hóa của người dân. Nhằm khuyến khích mọi người giữ gìn nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, năm 2001, Singapore đã phát động chương trình xếp hạng sao cho nhà vệ sinh công cộng tương tự như xếp hạng sao khách sạn.
Hàng năm, Singapore tổ chức trao giải thưởng cho người quét dọn nhà vệ sinh xuất sắc nhất. Đích thân thủ tướng sẽ trao giải thưởng.
Độc đáo nhà vệ sinh ‘trong suốt’ở Nhật
Nhà vệ sinh công cộng “trong suốt” tại Shibuya, Tokyo, Nhật Bản được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa Shigeru Ban. Hệ thống nhà vệ sinh công cộng sử dụng “kính thông minh”, lắp đặt với mục đích tạo nên những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ mà vẫn đảm bảo độ riêng tư cho người sử dụng.
Dù là ‘trong suốt’ nhưng chỉ cần đóng cửa lại và chốt khóa, tấm kính thông minh sẽ tự chuyển sang chế độ mờ đục đảm bảo sự an toàn và kín đáo cho người ở bên trong. Khi mở cửa, kính lại tự động trở lại trạng thái trong suốt để người qua đường biết được nhà vệ sinh đang trống và có thể sử dụng. Kiểu nhà vệ sinh hiện đại này được coi là tương lai của sự phát triển công nghệ tại Nhật.
Toàn bộ 17 công trình có vốn từ dự án Nhà vệ sinh Tokyo đều được đặt tại quận Shibuya, Tokyo - nơi nổi tiếng với văn hóa giới trẻ và sự đa dạng. Quận trưởng Shibuya Hasebe Ken nhìn nhận dự án này là “một cơ hội để quận có thể đem tới niềm vui và giải trí cho cư dân cũng như du khách”.
Tham gia dự án có kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Ando Tadao, chủ nhân giải thưởng Pritzker năm 2015. Ông Ando nói: “Tôi được các kiến trúc sư khác trong dự án truyền cảm hứng và muốn cống hiến hết sức mình. Giá trị của một công trình không do kích cỡ quyết định. Nhà vệ sinh công cộng này tuy nhỏ, nhưng lại truyền đi thông điệp lớn.
Tôi muốn người dùng cảm thấy thoải mái khi sử dụng côg trình này. Tôi đã nghĩ về việc làm thế nào để tất cả mọi người có thể tiếp cận, kể cả những người sử dụng xe lăn. Tôi tin rằng một thành phố phải có tính hòa nhập, và sẽ rất tuyệt nếu ta có thể chứng minh rằng một trong những cách làm điều đó là thay đổi nhà vệ sinh công cộng khiêm tốn”.
Mỹ: Không cần mua đồ vẫn đi vệ sinh miễn phí
Trong khi đó tại Mỹ, người dân có thể ghé vào bất cứ nơi kinh doanh nào khác của tư nhân (nhà hàng, nơi bán thức ăn nhanh, trạm bán xăng...) để đi vệ sinh mà không nhất thiết phải có giao dịch với nơi đó và không phải trả bất cứ phí nào.
Luật xây dựng các bang (Mỹ) quy định yêu cầu ban tổ chức các cuộc vui chơi giải trí, hội hè, sinh hoạt tôn giáo ngoài trời phải có đủ nhà vệ sinh, cứ 100 người thì phải có ít nhất 1 nhà vệ sinh.
Tại Pháp, luôn có thể dễ dàng tìm thấy vị trí các nhà vệ sinh thông qua hệ thống bản đồ chỉ dẫn. Hầu hết các nhà vệ sinh công cộng tại đây đều miễn phí.
Đặc biệt, các nhà vệ sinh công cộng được mở 24/24. Paris là thành phố có mật độ nhà vệ sinh công cộng cao nhất thế giới. Nhà vệ sinh công cộng ở Paris không chỉ nhiều, dễ tìm mà còn luôn sạch sẽ. Rất hiếm gặp một nhà vệ sinh công cộng nhếch nhác ở đây.
Tuyết Mai