Thiếu đầu tư cho nhà vệ sinh công cộng
Những năm qua, Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để chỉnh trang đô thị, lát đá vỉa hè, trồng cây xanh ở các quận nội thành, nhưng lại vắng bóng những khoản đầu tư lớn cho hạng mục nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).
Tại Hà Nội, có hơn 300 NVSCC bằng gạch, thép, đặt ở các vườn hoa, tuyến phố đều đã xuống cấp nghiêm trọng, trở thành "điểm đen" mất mỹ quan đô thị và không được quan tâm đúng múc để nâng cấp.
Đơn cử ở quận Hoàn Kiếm, nơi thu hút nhiều du khách nhất nhưng mới có khoảng 50 NVSCC, đáng nói đều trong tình trạng đã xuống cấp. Các NVSCC mới được đầu tư bằng chất liệu thép, vận hành khoảng 5 năm nay, nhưng cũng đã hoen gỉ. Các thiết bị như bồn rửa tay, vòi xịt, vòi xả nước… luôn trong tình trạng mất hoặc hỏng.
Thực trạng có nhà vệ sinh nhưng bẩn, mùi khiến người dân và du khách sợ không dám vào. Thậm chí, có cái xập xệ tới mức cửa bị hỏng, nhìn xuyên thấu từ ngoài vào, hay hỏng nút xả khiến du khách hoặc người dân đi vệ sinh xong phải dùng ca nhựa múc nước dội.
Là lái xe taxi, anh Nguyễn Văn Nam thường xuyên phải sử dụng NVSCC trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Anh than vãn, nhiều nơi dù có nhà vệ sinh, nhưng mỗi lần vào phải bịt khẩu trang, nín thở.
Hồi giữa tháng 4/2023, khi chuẩn bị cho một sự kiện hợp tác quốc tế thu hút hàng nghìn du khách, quận Hoàn Kiếm và TP Hà Nội gấp rút cho sửa sang khoảng 10 nhà vệ sinh quanh hồ Gươm, nhưng không thấm là bao so với nhu cầu của người dân.
Tình trạng nhà vệ sinh "có cũng như không" còn xảy ra ở các công viên, bến xe của Hà Nội. Cụ thể, Công viên Thống Nhất hiện có 4 NVSCC, trong đó 2 cái được xây dựng kiên cố từ hàng chục năm trước, đường dẫn nước đã cũ, hỏng. Nhân viên vệ sinh ở đây phải tự mua đường ống nhựa về sửa chữa.
Còn mặt sàn nhà vệ sinh kết cấu thép ở Công viên Thống Nhất cũng không khá hơn, nước lênh láng khiến nhiều người sợ không dám vào. Vì vậy, tại đây xuất hiện những "điểm đen" ô nhiễm, nơi nhiều người lén lút "giải quyết nỗi buồn”.
Thiếu nhà vệ sinh ở khu vực trung tâm
Tại TP.HCM, tình trạng vừa thiếu vừa quá tải với NVSCC cũng xảy ra ở nhiều địa điểm, đặc biệt là những nơi có nhiều du khách đến tham quan.
Các tuyến đường trung tâm như Bùi Viện, Đề Thám (quận 1), Võ Văn Tần, Phạm Ngọc Thạch (quận 3), Công viên 30/4, Công viên Bạch Đằng, công viên dọc bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Nhiêu Lộc - Thị Nghè... đều không có NVSCC.
Gây bức xúc nhất là khu vực bến xe buýt Sài Gòn nằm trên đường Hàm Nghi (quận 1). Nơi đây thu hút hàng nghìn người dân và du khách đi lại mỗi ngày, dù có 4 nhà vệ sinh thì 3 cái "cửa đóng then cài", cái còn lại thì xuống cấp, nhếch nhác.
Ông Năm (lái xe ôm) cho biết, tình trạng nhà vệ sinh hư hỏng, khóa cửa đã hơn một năm qua. “Nhìn bên ngoài thì thấy nhà vệ sinh này khá đẹp nhưng bên trong bồn cầu, bồn chứa nước đều vàng ố, hư hỏng. Do nhà vệ sinh xuống cấp và thiếu hụt khiến du khách nước ngoài, người dân lúc cần "giải quyết nỗi buồn" rất bức bí”, ông Năm chia sẻ.
Thảo Vy (sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP.HCM) cho biết, hàng ngày phải đi xe buýt đến trường và cảm thấy bất tiện vì tình trạng hiếm hoi NVSCC tại khu vực này.
Nhiều nơi trở thành "điểm đen" phóng uế
Dọc các trục đường hướng tâm vào nội thành Hà Nội dài hàng cây số như đường Nguyễn Trãi, Giải Phóng… không có một NVSCC nào, nên không khó để bắt gặp ai đó nháo nhác tìm kiếm nơi "giải quyết nỗi buồn". Vì thế, những góc đường Kim Đồng - Giải Phóng, khu "Cao- Xà- Lá" trên đường Nguyễn Trãi vô tình trở thành "điểm đen" ô nhiễm.
Để ngăn chặn, lực lượng công an các phường của Hà Nội từng hóa trang, ghi hình phạt người "xả" bừa, nhưng không xuể. Cụ thể, Đội Cảnh sát môi trường (Công an quận Hoàng Mai) từng xử phạt nhiều lái xe taxi phóng uế không đúng nơi, nhưng trong xử phạt, có những lý do chung được nêu là tìm không ra NVSCC.
Tình trạng người dân "xả" bậy cũng xảy ra phổ biến ở TP.HCM. Sở TN&MT TP cho biết, trong 3 năm (2020-2022), các địa phương phát hiện và xử lý gần 30.000 trường hợp vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, trong đó có hành vi phóng uế bừa bãi. Qua đó, lực lượng chức năng thu số tiền phạt gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sở này cũng cho rằng, hành vi phóng uế ở những nơi công cộng không xuất phát từ hệ lụy của việc thiếu NVSCC, mà là hành động của nhóm nhỏ cá nhân thiếu ý thức.
Tuy nhiên, Sở thừa nhận, có tình trạng người dân, khách vãng lai, du khách đến thành phố gặp khó khăn, bất tiện khi tiếp cận, sử dụng NVSCC.
Trao đổi với PV VietNamNet, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẳng thắn, nguyên nhân dẫn đến người dân, thậm chí có cả du khách phóng uế ngoài đường gây mất vệ sinh công cộng là do thiếu NVSCC.
“Đi vệ sinh là nhu cầu thiết yếu, chỉ có bước đường cùng họ mới tiểu tiện bừa bãi”, ông Hòa nhấn mạnh.
Kỳ 4: Kế hoạch xây 2.000 nhà vệ sinh công cộng phá sản