Lời tòa soạn

Thực trạng nhà vệ sinh công cộng thiếu trầm trọng lại xuống cấp, bẩn, mất mỹ quan đã tồn tại nhiều năm ở Hà Nội và TP.HCM. Kỳ nghỉ lễ vừa qua, vấn đề nơi "giải quyết nỗi buồn" với du khách trở nên cấp bách, trong khi những vướng mắc từ thiếu quỹ đất, kêu gọi đầu tư xã hội hóa không hiệu quả, duy trì, cải tạo lại chưa được quan tâm đúng mức. Đã đến lúc vấn đề nhà vệ sinh công cộng ở các đô thị lớn phải được quan tâm lớn, đầu tư lớn và thực hiện với quyết tâm lớn.

Du khách không tiếc tiền vào nhà vệ sinh hiện đại

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, lãnh đạo Hà Nội và TP.HCM cần phải nhận thức đúng đắn vị trí của nhà vệ sinh công cộng trong văn minh đô thị, đặc biệt là phát triển du lịch. 

“Chúng ta bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức, thời gian để xây dựng thương hiệu cho ngành du lịch, nhưng chỉ cần một chi tiết nhỏ như nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu của du khách, sẽ làm hỏng tất cả những nỗ lực đó”, đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.

Nhà vệ sinh công cộng có nội thất đẹp, do doanh nghiệp đầu tư, thu phí 5.000 đồng/lượt trong ngõ 38 phố Hàng Giầy (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Được đưa vào vận hành từ năm 2015, nhưng đến nay nhà vệ sinh này vẫn như mới. Ảnh: Quang Phong

Theo ông Bùi Hoài Sơn, việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng có thể không quá khó khăn, nhưng vận hành, bảo trì khá tốn kém. Do vậy, hàng năm Hà Nội và TP.HCM nếu không dành kinh phí duy tu, sửa chữa thì nơi này rất dễ xuống cấp.

“Nếu Nhà nước không có đủ nguồn lực xây dựng, duy tu thì có thể giao cho tư nhân xây dựng và khai thác theo hình thức thu phí. Có lẽ không ai tiếc vài đồng để được sử dụng nhà vệ sinh công cộng hiện đại, sạch sẽ”, ông Bùi Hoài Sơn nhìn nhận.

Còn theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hà Nội và TP.HCM phải tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. 

Nội thất nhà vệ sinh công cộng ở quận Đống Đa (Hà Nội) khiến du khách phát sợ khi đi "giải quyết nỗi buồn". Ảnh: Quang Phong

“Thực tế những năm qua, Hà Nội và TP.HCM cũng đã đầu tư, nhưng làm một cách manh mún nên nhanh xuống cấp. Do vậy, lần này cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng nhà vệ sinh hiện đại, sạch sẽ và có quy mô, quy hoạch. Chỉ có như vậy, người dân mới không có cảm giác sợ vào nhà vệ sinh công cộng”, đại biểu Hòa nói thêm.

Một nhà vệ sinh công cộng khác ở ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Thái Học, bên trong hoang tàn, nhiều phòng vệ sinh khóa cửa, không thể sử dụng. Những phòng còn mở cửa cũng trong tình trạng tệ hại; cơ sở vật chất không còn đáp ứng được nhu cầu. (Ảnh: Thế Bằng)

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) cho rằng: “Có thể giao cho doanh nghiệp vận hành, nhưng cần phải có cán bộ cấp tổ dân phố, phường hàng ngày vào "chấm điểm". Nếu thấy nhà vệ sinh công cộng mất vệ sinh, họ có thể báo cáo quận, thậm chí sở hoặc thành phố chỉ đạo xử lý".

Phải dành đất xây nhà vệ sinh công cộng

Trước tình trạng hàng loạt nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Công ty Môi trường đô thị Hoàn Kiếm thực hiện nghiêm túc công tác duy tu, dọn dẹp sạch sẽ. Đồng thời, quận cũng sẽ cho rà soát bố trí thêm nhà vệ sinh công cộng.

Quận Hoàn Kiếm đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ cải tạo, xây dựng hơn 30 nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn bằng ngân sách quận và kết hợp xã hội hóa.

“Chúng tôi đang cho rà soát lại tất cả nhà vệ sinh, trong đó, cái nào hỏng thì sửa chữa ngay, còn cái nào xuống cấp nghiêm trọng thì đưa vào danh sách xây dựng lại”, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói và cho biết quận này vừa sửa chữa được hơn 10 nhà vệ sinh ở khu vực vườn hoa quanh hồ Hoàn Kiếm.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, hầu hết nhà vệ sinh công cộng bằng gạch tập trung ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và được xây dựng từ trước những năm 1990. Còn nhà vệ sinh bằng vỏ thép được đặt trên mặt phố, vườn hoa, xây dựng trước năm 2010.

“Một số nhà vệ sinh công cộng đã xuống cấp, bị gỉ một số bộ phận, cần sửa chữa đảm bảo điều kiện sử dụng và mỹ quan đô thị”, Sở TN&MT Hà Nội cho hay.

Nhà vệ sinh bên trong công viên Indira Gandhi (quận Đống Đa), nước chảy ra bốc mùi hôi thối khiến môi trường ô nhiễm. (Ảnh: Thế Bằng)

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã yêu cầu các quận, huyện rà soát, duy tu nhà vệ sinh công cộng hiện có để bảo đảm hiệu quả, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị. Đồng thời rà soát, xem xét sớm đầu tư mới nhà vệ sinh tại các khu vực cần thiết bảo đảm hiệu quả, thân thiện môi trường.

Còn tại TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP đã chấp thuận đề xuất của UBND quận 1 triển khai đầu tư, lắp đặt nhà vệ sinh công cộng tạm thời trên 5 vị trí. Đây là những khu ‘đất vàng’ ở trung tâm thành phố như: 8-12 đường Lê Duẩn; 2-4-6 đường Hai Bà Trưng; khu đất dự án Thương xá Tax tại số 135 đường Nguyễn Huệ; khu đất mở rộng Khách sạn Majestic tại số 2-4-6 đường Nguyễn Huệ (cùng ở phường Bến Nghé) và số 8 đường Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành.

Nhà vệ sinh công cộng được lắp đặt tại vị trí 'đất vàng' số 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM). Ảnh: Như Sỹ

Chiều 6/5 vừa qua, 2 nhà vệ sinh công cộng lắp đặt tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé đã đi vào hoạt động.

Đây là 2 trong 5 khu "đất vàng" đang để trống ở quận 1 được chính quyền thành phố chấp thuận cho sử dụng một phần diện tích xây tạm nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh công cộng tại công viên Phong Châu, TP.HCM xuống cấp đã được cải tạo khang trang hơn. Ảnh: Như Sỹ

Cả hai công trình được triển khai theo hình thức xã hội hóa từ cuối tháng 3 với kinh phí gần 1 tỷ đồng; được trang bị hệ thống cảm biến, đồng thời sử dụng men vi sinh tự động xử lý chất thải. Đây là các ki-ốt di động nên dễ tháo lắp, di dời qua địa điểm khác...

Trước đó, chính quyền quận trung tâm TP.HCM cũng đã vận động hơn 100 hàng, quán tại 10 phường treo biển hiệu hướng dẫn, hỗ trợ người dân dùng nhà vệ sinh miễn phí. 

Mời quý độc giả xem đầy đủ nội dung của tuyến bài: