Người cho rằng công chúng và truyền thông đang “làm quá”, và “không nên dồn ai đó vào chân tường”; người lại cho rằng nên có cái gọi là “văn hóa tẩy chay” ở ta và cần quyết liệt hơn nữa thay vì sự nửa vời, “giơ cao đánh khẽ” như trước nay…



Thêm lần nữa, hai vụ việc liên quan đến Huy Hoàng và Phương Uyên lại đặt chúng ta trước câu hỏi: Cư xử thế nào là đúng mực cho bốn từ “văn hóa tẩy chay”? Chúng ta từng trải qua những câu chuyện làm nặng lòng người hâm mộ như “nghi án Bảo Chấn đạo nhạc” và “Văn Quyến bán độ” để đến nỗi, giờ đây chúng ta gần như không còn được nhìn thấy họ ở những nơi mà sự có mặt của họ từng là đáng giá…

“Chửi” bao nhiêu thì… đủ?

“Chửi thế đủ rồi” là từ nhạc sĩ Hoài Sa nói với Đẹp online khi đề cập tới câu chuyện của Phương Uyên với “The Voice”. Bởi anh cho rằng: “Trộm cắp đi tù về vẫn có thể ra đường mà không bị ai nhận mặt. Nhưng với một người của công chúng, một khi đã bị chỉ trích, thì họ đâu còn có thể sống bình thường được nữa, và đó là cái án nặng nhất với họ rồi!”. Vậy nên chăng là cho người ta cơ hội sửa sai, một cơ hội mà anh nghĩ người thụ hưởng nó sẽ cố gắng gấp trăm lần để làm lại.

Là bạn của Phương Uyên, lại rơi vào tình thế tế nhị là thay Phương Uyên tại The Voice, cộng với bản tính hiền lành, Hoài Sa “bênh” Phương Uyên là phải? Nhưng thật ra, còn có một trăn trở khác mang tên Bảo Chấn - người một thời là thần tượng trong nghề của anh, và nay đã gần như biến mất trong làng nhạc sau nghi án đạo nhạc và những trận ném đá của truyền thông. Những trận ném đá theo anh không hề giúp làng nhạc “sạch” hơn khi mà giờ đây, chuyện đạo nhạc mới là tồi tệ nhất: ăn cắp nhạc, lời, thậm chí còn bê nguyên cả bản phối… Hoặc cùng lắm, là chuyển từ công khai sang bí mật, tinh vi hơn. Cái được không thấy đâu, mà cái mất thì sờ sờ: làng nhạc mất đi một cây chơi piano số 1 và một nhạc sĩ có tài. Tán đồng với cái nhìn vừa có tình vừa có lý của Hoài Sa, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng góp chuyện: “Chú Chấn là người đáng yêu vô cùng, nên khi chuyện xảy ra, ai cũng thương chú!”…

Với thể thao, là câu chuyện Văn Quyến, dù tất nhiên tội trạng của anh khó tha thứ hơn nhiều: bán độ. Kết quả là sau án kỷ luật và những trận ném đá, chân sút tài năng một thời đã gần như không thể hòa nhập trở lại ngay cả khi án đã được xóa. Sai lầm của truyền thông ở đây, theo nhà báo/bình luận viên (BLV) Trương Anh Ngọc, đó không chỉ là những trận ném đá mà là cả những màn công kênh trước đó: “Tôi cho là liều lượng thông tin cả tích cực và tiêu cực về Quyến quá nhiều và nếu nói là quá mạnh tay thì cũng không sai. Quyến thành công và được đưa lên mây quá nhanh, trong khi Quyến còn quá trẻ và rất dễ bị ảnh hưởng xấu bởi những cám dỗ từ môi trường xung quanh. Quyến không chịu đựng được sức ép khi nổi quá nhanh. Khi Quyến sa ngã thì báo chí có quyền thông tin khi viết về em, nhưng chủ yếu theo hướng dạy bảo và lên lớp Quyến, khiến Quyến xù lông nhím để tự vệ và do đó càng xa công chúng hơn. Điều không có trong những chiến dịch thông tin ấy, là tính nhân văn. Người ta cần phải hiểu, cảm thông và tránh dồn quá nhiều sức ép lên em trong hoàn cảnh ấy...”.

“Hiện tại, chúng ta đang bước vào một kỉ nguyên mạng xã hội và nó cuốn tất cả theo xu hướng từng ngày, từng giờ bám theo các sự kiện và nhân vật trong đó. Sự phát triển của các dạng tin đồn, những trang mạng theo xu hướng lá cải và dung tục hóa cách giải trí của con người ngày càng nhiều và cạnh tranh rất khốc liệt. Tất cả như một cơn lốc thông tin nhiều chiều, nhiều cách tiếp cận ùa vào chúng ta cùng một lúc sau một thời gian dài đói thông tin và đói cả các cách tiếp cận thông tin. Điều đáng buồn là sự phát triển ấy tỉ lệ nghịch với trình độ dân trí và trình độ thưởng thức của chúng ta mà tôi cho là thấp, dẫn đến việc kiểm soát năng lực hành vi không chuẩn. Vì thế, nếu truyền thông không giữ được sự đúng mực và khách quan, chính xác và công tâm, thì chắc chắn công chúng cũng sẽ bị tác động tiêu cực từ các cơ quan báo chí, dù là báo mạng, báo giấy hay truyền hình, phát thanh, trong bất cứ vấn đề gì, không chỉ là thể thao hay showbiz...” – Anh nói thêm.


Hay là chửi cũng bằng thừa?

Mặc dù ít nhiều “lăn tăn” trường hợp Văn Quyến, nhưng nhà báo Trương Anh Ngọc lại không ngần ngại bày tỏ quan điểm khá “lạnh” của mình trong câu chuyện “văn hóa tẩy chay” này. Khi mà với Văn Quyến thì còn có yếu tố trẻ người non dạ, nhưng Huy Hoàng thì sao? Và còn biết bao Huy Hoàng khác… chưa lên clip? Những Huy Hoàng gây thất vọng, đã đành! Nhưng theo Anh Ngọc, còn có một thất vọng khác lớn không kém, đó là thái độ tẩy chay mà anh cho là “nửa vời, quá chia rẽ và thiếu nhất quán” ở công chúng Việt. “Niềm tin bị mất đi thực chất là gì? Đấy chỉ là hậu quả của một cơn hưng phấn ghét bỏ dâng lên nhất thời và rồi sau đó, mọi chuyện được xí xóa hết. Thay vì quyết liệt tẩy chay, nhiều người thậm chí còn cho rằng, nếu đời là một vở kịch thì ta phải xem nó để biết nó hay hay dở. Thế nên, dù Huy Hoàng có như thế nữa thì khán giả vẫn đến sân. “The Voice” có vướng vụ Phương Uyên thì giờ còn trở nên nổi tiếng hơn nữa, nhiều người xem hơn nữa. Truyền thông và công chúng có thể tạo ra những tác động ngược lên số đông theo cách ấy và ý nghĩa tích cực của việc phanh phui những tiêu cực vì thế sẽ bị loại trừ!”.

Sự thiếu quyết liệt ấy đến từ đâu? Từ tập quán bao dung, vị tha, “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh kẻ chạy lại” của người Việt hay là bệnh dễ dãi, “dễ yêu, dễ ghét, dễ bị thỏa hiệp và thậm chí, dễ bị mua chuộc” - như từ dùng của BLV Trương Anh Ngọc? “Ở đây ta có thể thấy, đa phần mọi người không ý thức được trách nhiệm và quyền của mình để bảo vệ chính kiến của mình. Chuyện này có thể nhìn thấy ở bất cứ đâu, bất cứ ai. Người ta có thể khó chịu với người khác đi láo trên đường, nhưng họ không hề phản đối vì bản thân họ cũng vượt đèn đỏ. Tương tự, 'bún mắng, cháo chửi' cũng cho thấy một sự thỏa hiệp hèn nhát ở người tiêu dùng khi dễ dàng chấp nhận một sự dung tục hóa đời sống. Cứ vậy, chừng nào mỗi người không ý thức được quyền và trách nhiệm của riêng mình trong xã hội, những sự cố như trên còn xảy ra nữa, và rồi người ta lại… quên ngay thôi!” – Anh nói.

Vì thế, mong chờ một làn sóng tẩy chay quyết liệt như một đòn trừng phạt cần thiết nhưng lại không hy vọng có được điều đó ở ta là tâm trạng của BLV bóng đá nổi tiếng này. Và vì làn sóng ấy ở ta chưa đủ lớn nên người ta đành chỉ biết hy vọng vào cái gọi là lòng tự trọng ở những người cần đến đám đông: “Trong một xã hội đang mở ra và xã hội mạng đang phát triển mạnh mẽ theo hướng không ảo một chút nào, những người của công chúng nên biết giữ mình và hành xử đúng đắn. Sự cố có xảy ra và được phơi bày trước công chúng là hậu quả trực tiếp của điều đó, và người ấy phải chấp nhận búa rìu dư luận theo nhiều chiều khác nhau, hoặc đối đầu với nó, hoặc cố gắng làm giảm nhẹ nó và chờ cơn bão đi qua...”.

Theo Đẹp