Nguồn tiền trị giá cả ngàn tỷ đồng đang chảy vào các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành trong bối cảnh các ngành bất động sản, mía đường và ngân hàng nóng bỏng.
Nguồn tin từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, ngân hàng này dự kiến thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR). Đây là bước hợp tác có quy mô lớn đầu tiên giữa 2 đơn vị này.
Cụ thể, LienVietPostBank dự kiến thông qua khoản tiền 500 tỷ đồng mua trái phiếu của Sacomreal với kỳ hạn 42 tháng với lãi suất khá thấp.
Gia đình ông Đặng Văn Thành thống trị ngành mía đường. |
Sacomreal là một doanh nghiệp của nhà doanh nhân Đặng Văn Thành. Con trai ông Đặng Văn Thành là Đặng Hồng Anh hiện đang nắm giữ gần 24 triệu cổ phần SCR, tương đương hơn 10,4%. Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Thuận Thiên (tên cũ là Đặng Thành - một công ty của gia đình ông Thành) nắm giữ hơn 17,6 triệu cổ phần SCR (hơn 7,7%). CTCP Đầu tư Thành Thành Công của nhà ông Thành nắm giữ gần 11,2 triệu cổ phần, tương đương hơn 4,9%. CTCP Kho vận Thiên Sơn (1 doanh nghiệp trước từng mang tên Kho vận Sài Gòn Thương Tín) nắm giữ hơn 5,5 triệu cổ phần,...
Hai doanh nghiệp khác của nhà ông Đặng Văn Thành là Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Đường Biên Hòa (BHS) cũng đã có kế hoạch phát hành cả ngàn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Cụ thể, SBT dự kiến phát hành riêng lẻ 425,6 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành và bên thứ 3. Đường Biên Hòa cũng vừa quyết định phát hành riêng lẻ tối đa 638,4 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành và bên thứ 3.
SBT và BHS lên kế hoạch phát hành trái phiếu huy động gần 1,1 ngàn tỷ đồng ngay vào thời điểm 2 doanh này chính thức thâu tóm thành công công ty mía đường của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) để trở thành ông trùm trong lĩnh vực mía đường.
Hai DN này đã cùng phê duyệt đầu tư chiến lược tại Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Gia Lai. Đường Biên Hoà sẽ bỏ ra gần 800 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng phần vốn góp 489 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ của Mía đường HAGL từ CTCP Nông nghiệp Quốc tế HAGL - HAGL Agrico (HNG). Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) bỏ ra gần 550 tỷ đồng mua phần vốn góp 326 tỷ đồng, tương đương 40% vốn điều lệ của Mía đường HAGL từ HNG và một cổ đông nhỏ.
Thống trị mía đường, vẫn quyến luyến BĐS và ngân hàng
Nguồn vốn ngàn tỷ huy động từ phát hành trái phiếu giúp nhà ông Đặng Văn Thành thống trị ngành mía đường tại Việt Nam.
Chính 2 doanh nghiệp mía đường chủ lực trong hệ thống mía đường của nhà ông Đặng Văn Thành này (BHS và SBT) cũng đã có kế hoạch sáp nhập trở thành 1 công ty có quy mô gần nửa tỷ USD.
Hiện tại, đây là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán, đồng thời là 2 công ty mía đường chủ chốt của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch.
Ông Đặng Văn Thành là người gây dựng lên Sacombank. |
Mía đường là ngành kinh doanh khởi đầu và giờ đây lại trở thành mảng kinh doanh chính của của gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành. Tuy nhiên, ngành nghề giúp gia đình nhà ông Đặng Văn Thành nổi tiếng chính là ngân hàng và bất động sản.
Sau khi giao phó cho vợ là Huỳnh Bích Ngọc và con gái Đặng Huỳnh Ức My củng cố công ty mía đường Thành Thành Công, ông Thành đã có quãng thời gian khoảng 20 năm tập trung phát triển Ngân hàng Sacombank. Con trai ông Thành - ông Đặng Hồng Anh - phát triển mảng bất động sản với Sacomreal.
Sau cú sốc bị thâu tóm năm 2011-2012, ông Thành rời bỏ ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, những tín hiệu gần đây cho thấy, doanh nhân này vẫn còn quyến luyến với hai lĩnh vực nóng bỏng này.
Gần đây, có thời điểm ông Đặng Văn Thành cùng với nhóm đầu tư đã quyết định huy động hàng chục ngàn tỷ đồng để quay lại với Sacombank. Trong vài năm qua, nhà ông Thành liên tục đẩy mạnh mua vào cổ phần Sacomreal để giữ cổ phần chi phối trong doanh nghiệp này.
Quá trình tái cấu trúc Ngân hàng Sacombank gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây là một ngân hàng có hệ thống quản trị, có mạng lưới kinh doanh vững chắc và có hệ thống khách hàng ổn định. Khối nợ xấu của Sacombank khá lớn nhưng gắn liền với đó là các tài sản bất động sản có giá trị.
M. Hà