Thời gian gần đây, ngoài các hoạt động chèo thuyền, đạp vịt, tại khu vực Hồ Tây xuất hiện nhiều hoạt động trải nghiệm mới như lướt ván phản lực, du ngoạn hồ bằng thuyền phao, chèo SUP... Đặc biệt, vào chiều cuối tuần, một nhóm bạn trẻ thường xuyên trình diễn lướt ván phản lực trên hồ. Những chiếc ván lướt như bay trên nước, động tác điệu nghệ khiến người và du khách thích thú.

W-van-phan-luc-ho-tay-2.jpg

Khoảng 14h30 chiều, anh Lương Thành Thiện (25 tuổi, Hà Nội) cùng các thành viên trong CLB Ván phản lực Sliver Surf tập trung tại khu vực Hồ Tây để chuẩn bị cho buổi lướt ván. Các công đoạn chuẩn bị diễn ra từ 10-15 phút, bao gồm lắp vây đuôi, kiểm tra xăng, dầu bôi trơn động cơ. Người chơi trước khi tham gia trải nghiệm sẽ được hướng dẫn các thao tác điều khiển ván, mặc áo phao, đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn.

Theo anh Thiện, khác với ván truyền thống, trượt nhờ sức gió và lực đẩy của sóng thì ván phản lực được thiết kế một động cơ đẩy ở bên trong để cho ván lướt trên mặt nước ngay cả khi không có gió hoặc sóng.

Môn thể thao này du nhập vào Việt Nam vào năm 2019 và thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là những người thích những trò chơi cảm giác mạnh, thích sự mới mẻ và thử thách bản thân. 

W-van-phan-luc-ho-tay-8.jpg

Ván phản lực có động cơ hai thì 106cc với công suất từ 11-17 mã lực, có thể chạy được với tốc độ tối đa 60km/h. Trọng lượng của ván khoảng 19kg nên người chơi có thể dễ dàng vận chuyển tới các địa điểm khác nhau.

W-dsc-4036-3.jpg

Lớp vỏ bên ngoài ván được làm bằng sợi cacbon nên kết cấu bền và nhẹ. Ván phản lực được trang bị chìa khóa từ tính giúp tự động tắt động cơ khi người chơi bị ngã. Ngoài ra, ván phản lực cũng không lộ chân vịt nên đảm bảo được sự an toàn cho người chơi khi bị ngã ra sau ván trượt. Mỗi chiếc ván phản lực có giá dao động từ 170 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng.

Anh Thành Thiện cho biết, điều khó khăn nhất khi bắt đầu chơi là phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, vì người chơi dễ bị choáng ngợp trước tốc độ của ván phản lực dẫn đến việc khó điều khiển ván. 

"Trung bình mỗi người sẽ mất khoảng 1-2 buổi để có thể đứng vững trên ván. Còn với những động tác khó hơn như ôm cua, ngồi trên ván, nhảy khỏi mặt nước... thì sẽ phải tập lâu hơn”, anh Thiện chia sẻ.

Bạn Lương Thị Diễm (19 tuổi, Hà Nội) đã trải nghiệm lướt ván phản lực được 3 lần nhưng cảm xúc lần nào cũng hào hứng và thích thú khi được lướt trên mặt nước. “Cảm giác thật sự rất “đã”, tốc độ của ván rất nhanh nên vừa mát lại vừa thoải mái. Tuy nhiên khi đi ra xa thì gió to hơn nên hơi khó điều khiển một chút, cần phải giữ được bình tĩnh để kiểm soát ván”, Diễm chia sẻ.

Anh Chu Đức Việt (37 tuổi, Hà Nội) là người chơi ván phản lực chuyên nghiệp đã được 3 năm. Anh Việt bị thu hút bởi môn thể thao này bởi cảm giác phấn khích, thỏa mãn đam mê tốc độ và giải tỏa áp lực cuộc sống. "Ở nhà tôi có một hồ nước nên hầu như ngày nào tôi cũng chơi ván phản lực để thỏa mãn niềm đam mê tốc độ. Trước đây tôi còn chơi cả mô tô nước, cảm xúc đều rất tuyệt vời”, anh cho biết. 

W-chu-duc-viet-3.jpg

Nhiều người dân đi ngang qua Hồ Tây khá bất ngờ với sự xuất hiện của những chiếc ván phản lực. Thùy Dung (áo xanh, 22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với những động tác quay 360 độ, nhảy lên khỏi mặt nước, vừa đẹp mắt vừa điệu nghệ. Nếu có cơ hội tôi sẽ thử trải nghiệm”, Thùy Dung bày tỏ.

Ngoài lướt ván phản lực, nhóm còn có thuyền phao, chèo sup để du ngoạn trên hồ.

Tháng 2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định quản lý và khai thác Hồ Tây, cho phép 10 loại hình dịch vụ được hoạt động kinh doanh. 

Các dịch vụ khác trong danh mục được kinh doanh gồm: Vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy không lưu trú qua đêm. Ngoài ra, các loại hình khác như dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn; sân tập golf; bơi; lặn... cũng được phép hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, thành phố cho phép xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây.

Bài và ảnh: Kim Ngân